Những thách thức tăng trưởng

Bloomberg đã chọn ra 20 nền kinh tế dự báo là động lực cho tăng trưởng toàn cầu năm nay và 2024. Việt Nam lọt top 20 năm 2019

 

Mới đây, dựa trên cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Bloomberg đã chọn ra 20 nền kinh tế dự báo là động lực cho tăng trưởng toàn cầu năm nay và 2024. Theo đó, Việt Nam lọt top 20 năm 2019, nhưng không được chọn vào top 20 của năm 2024.

Báo cáo của Bloomberg cho thấy, Trung Quốc vẫn là nước có đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng GDP thế giới. Mỹ có thể xuống vị trí thứ 3, sau Ấn Độ, vào năm 2024, Brazil thăng hạng lên thứ 6. Indonesia vẫn giữ vị trí thứ 4, trong cả 2 giai đoạn. Nga sẽ lên thứ 5 vào năm 2024 còn Nhật Bản đang ở vị trí này sẽ lùi xuống vị trí thứ 9 vào năm 2024.

Tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài và bất ổn gia tăng đã khiến một lần nữa, IMF lại hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống mức 3% và cảnh báo đà phục hồi kinh tế toàn cầu năm tới cũng sẽ yếu hơn dự báo trước đó. Tăng trưởng năm 2020 có thể chỉ còn 3,4%. IMF cho rằng các thách thức trên toàn cầu đã đặt các nền kinh tế vào tình trạng “bấp bênh”.

20 nền kinh tế đóng góp nhiều cho tăng trưởng toàn cầu năm 2024

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Toàn cầu tháng 10 của IMF đánh giá: “Ưu tiên chính sách hiện tại là dỡ bỏ rào cản thương mại bằng các thỏa thuận bền vững, và kiềm chế căng thẳng địa chính trị. Những động thái này có thể kéo niềm tin lên cao, kích thích đầu tư, chặn lại đà giảm thương mại và sản xuất, cũng như đẩy cao tăng trưởng toàn cầu”. IMF cho rằng các chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là “Chính sách tiền tệ nên được kết hợp với chính sách tài khóa”. Đây cũng là vấn đề được một số chuyên gia tài chính ngân hàng đề xuất đối với hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bởi lẽ có tăng trưởng tín dụng thì mới có tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh chung toàn cầu, kinh tế Việt Nam càng bộc lộ những mặt hạn chế lớn. Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), mặc dù mức tăng trưởng 9 tháng qua của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,56%, vẫn là động lực chính của nền kinh tế, nhưng tình trạng phụ thuộc vào khai khoáng, chỉ số hàng tồn kho trung bình tăng cao..., khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xấu đi. Đáng ngại hơn cả là chất lượng tăng trưởng và triển vọng tăng trưởng đều kém đi. Từ đó dẫn tới nguy cơ đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất.

Cùng với tác động của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác ảnh hưởng tới tăng trưởng như vấn đề môi trường, việc làm… Báo cáo của Bộ Tài chính tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV cho biết, số thuế nợ vẫn cao, hơn 88.250 tỷ đồng đến cuối tháng 8. Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách gần 43.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD), chiếm xấp xỉ 49% tổng số tiền nợ thuế.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận