Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Riêng Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020.
Thông tin lên quận của 5 huyện này chính thức được đề xuất đang được giới đầu tư bất động sản tập trung chú ý. Giá bất động sản tại các huyện trên tăng nhanh trong những năm qua, nay tiếp tục là tâm điểm của thị trường.
Khảo sát của trang batdongsan.com.vn, ngay từ quý 2/2019, nhà đất thổ cư ở các quận Đông Anh, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hoài Đức đang có mức độ quan tâm lớn trên thị trường.
Nửa đầu năm 2019, số người tìm kiếm bất động sản tại Đông Anh tăng mạnh, gấp từ 1,5 - 2 lần so với những tháng cuối năm ngoái. Và từ năm 2015 - 2018, giá nhà phố tại 5 quận trung tâm gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy tăng 7 - 17%. Trong khi đó ở quận, huyện ngoài trung tâm gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh giá nhà phố tăng từ 19 - 64%.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sông Hồng, cho rằng, khi các huyện ngoại thành lên quận thì hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội thay đổi được chú trọng đầu tư, đây là một điều kiện thuận lợi. Hiện tại, giá các khu vực chuẩn bị lên quận đã được nâng lên tương đối cao, giá bất động sản lên từ khoảng 2 năm trước, khi bắt đầu có những thông tin quy hoạch “đồn đoán”. Nếu chính thức lên quận giá bất động sản có thể nhích lên nhưng không nhiều.
“Trước đây, tại Hoài Đức, giá đất còn chưa cao nhưng hiện tại ở các đô thị giá biệt thự, shophouse lên tới 100 triệu đồng/m2. Thậm chí dự án của nhà tạo lập bất động sản uy tín, khu đô thị quy mô và nhiều tiện ích thì shophouse đang được bán trên 100 triệu đồng/m2, với dự án bất động sản nhỏ giá khoảng 70 triệu đồng/m2” - ông Điệp cho biết.
Khi có tín hiệu các huyện lên quận thì bất động sản cũng tăng giá đây là quy luật thị trường. Đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết cấu hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của người dân với những khu đô thị đồng bộ, xanh và nhiều tiện ích thì giá bất động sản sẽ lên, ông Điệp phân tích thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thông tin về việc các huyện nâng cấp đơn vị hành chính thành quận đã kích thích nhà đầu tư và môi giới tập trung vào, khiến cho các sản phẩm bất động sản tăng giá mạnh.
“Cần chú ý giá trị thực của sản phẩm là dựa trên các yếu tố về hạ tầng và phân bố dân cư. Nếu có hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội mới được đầu tư thì bất động sản lên giá là giá trị thực còn chỉ thông tin, chủ trương ban đầu thì đó là trào lưu đầu tư và có thể còn đang bị đẩy giá” - ông Đính nói.
Ông Đính cho rằng, nhiều mảnh trong làng xã, trong ngõ được rao bán với mức trên 30 triệu đồng/m2 đây là mức giá vô lý, giá đã cao hơn giá trị thực và đang bị làm giá.
Với việc 5 huyện lên quận và nhiều dự án cũng rục rịch tái khởi động, môi giới sẽ dựa vào để đẩy giá đất. Tuy nhiên, trừ khu vực phía Tây Hà Nội - nơi có những dự án bất động sản đang triển khai, các khu vực khác chỉ dừng lại ở bước chuẩn bị dự án. Đây sẽ là một quá trình dài với nhiều biến động của thị trường, các nhà đầu tư cần thận trọng tránh sa lầy vào những “cơn sốt ảo” bởi thông tin và đầu tư phong trào./.
Theo VOV.VN