Liên tiếp thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện ra những lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ từ Việt Nam, từ quần áo, giày dép, chăn đệm đến xe đạp, máy móc thiết bị…với tờ khai nhập khẩu và C/O xuất xứ Trung Quốc nhưng trên nhãn sản phẩm lại ghi xuất xứ, thương hiệu của Việt Nam... Trước đó nữa là 1,8 triệu tấn nhôm nghi giả xuất xứ Việt Nam định xuất khẩu vào Mỹ.
Thực tế, tình trạng hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc, “đội lốt” hàng Việt Nam xuất hiện từ lâu, nhưng khoảng 2 năm gần đây trở nên trầm trọng hơn, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng và cơ hội xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ khó khăn. Việc giả mạo xuất xứ là một con đường để hàng hóa Trung Quốc có thể xuất khẩu được vào thị trường Mỹ.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam như Tổng cục Hải quan, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)…đều đã nhận diện tình trạng này. Bộ Công thương có danh sách cảnh báo những mặt hàng có thể nằm trong diện "chống lẩn tránh" thuế khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, có mặt hàng được cảnh báo ở cấp độ nguy hiểm. Ví dụ như mặt hàng gỗ dán với mức thuế chống bán phá giá Mỹ đang áp với gỗ từ Trung Quốc 183,36% và thuế chống trợ cấp là 22,98 - 194,9%. Cũng mặt hàng này nhưng xuất xứ của Việt Nam chỉ phải chịu 8%. Đây là nguyên nhân khiến thị trường Việt Nam đang bị biến thành nơi trung chuyển xuất khẩu vào Mỹ. Cùng một khoảng thời gian, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc giảm gần 81% thì từ Việt Nam tăng 516%. Các mặt hàng đá nhân tạo, đệm mút, xe đạp điện, thép tấm cán nóng... cũng bị cảnh báo gian lận, lẩn tránh thuế.
Tình trạng gian lận thuế, lẩn tránh thuế, “đội lốt” xuất xứ khiến cho hoạt động xuất khẩu vào Mỹ gặp nhiều khó khăn do các cơ quan phòng vệ thương mại của quốc gia này đề cao cảnh giác với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Cụ thể là tháng 11/2018, cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bằng hình thức chuyển tải đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở nghi ngờ công ty Finewood Việt Nam có các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Tình trạng này càng khiến chính phủ Mỹ đặt Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi về khả năng thao túng tiền tệ do có sự chênh lệch cán cân thương mại bất thường.
Hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc, không thể “đội lốt” hàng xuất xứ Việt Nam nếu không có sự tiếp tay của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không sớm có giải pháp ngăn chặn, hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng này thì mất mát chắc chắn không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại./.