Dự án PPP: Không thể một mình doanh nghiệp chịu rủi ro, thiệt thòi

Với hình thức PPP, doanh nghiệp với nhà nước đáng ra phải bình đẳng với nhau trong đầu tư và quản lý nhưng nhà đầu tư vẫn phải xin - cho.

 

Câu chuyện về chia sẻ rủi ro trong các dự án BOT và sắp tới là các dự án PPP đang được quan tâm, chú ý khi mà thời gian qua xảy ra các rủi ro dẫn đến vỡ phương án tài chính nhưng cuối cùng chỉ có doanh nghiệp đứng ra chịu hậu quả.

GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, chúng ta cần làm rõ cơ chế bảo lãnh trong dự thảo Luật đầu tư PPP, nhà nước phải cam kết hỗ trợ công trình trong việc giải phóng mặt bằng để có thể tiến hành dự án theo đúng kế hoạch. Cùng với đó, phải có cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro. Thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính hạn chế sự hấp dẫn của nhà đầu tư nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Còn theo TS Trần Chủng: Cản trở cuối cùng với các nhà đầu tư đến từ chính quyền địa phương. Với hình thức PPP, doanh nghiệp với nhà nước đáng ra phải bình đẳng với nhau trong đầu tư và quản lý. Tuy nhiên, hiện nay các chủ đầu tư dự án vẫn phải phàn nàn rằng không được đối xử bình đẳng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đáng ra cơ quan quản lý cần có cơ chế cùng phối hợp nhưng doanh nghiệp vẫn phải đi theo cơ chế xin cho, nhà đầu tư phải xin phép chính quyền.

Cụ thể ở đây là Bộ GTVT hay các tỉnh, thành phố là một bên cùng nhà đầu tư ký Hợp đồng đối tác công-tư, khi giao cho các ban quản lý dự án làm đại diện cho cho mình cũng cần xây dưng một phong cách làm việc mới phù hợp với vị thế của một đối tác của nhà đầu tư tư nhân. Nếu cơ quan này vẫn giữ nguyên tâm thế như các PMU, BQLDA chuyên ngành trước đây là vừa làm ông chủ, vừa điều hành dự án vẫn “luyến tiếc” với cơ chế “xin-cho” là không phù hợp với tinh thần hợp tác đối tác công tư theo phương thức PPP. Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải là một bên của hợp đồng đúng tinh thần hợp tác PPP.

Địa phương và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại của dự án. Do đó, cần có quy định chặt chẽ về trách nhiệm với nhà đầu tư trong việc tôn trọng các cam kết về chia sẻ rủi ro của phương án tài chính, lựa chọn vị trí trạm thu phí, các công trình dọc dự án, tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa của dự án và trách nhiệm của người dân cùng đảm bảo trật tự xã hội và an toàn giao thông. Việc miễn giảm phí cho xe của người dân địa phương không thể khoán trắng cho nhà đầu tư BOT mà cần có sự phối hợp đồng thời cũng là trách nhiệm của chính quyền các địa phương.

Cùng nói về mối quan hệ này, TS. Dương Đặng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh cần bình đẳng trong mối quan hệ dân sự giữa nhà đầu tư với Chính phủ mà đại diện là Bộ GTVT.

"Hợp đồng dân sự giữa doanh nghiệp với Bộ GTVT có hiệu lực không khi xảy ra các tranh chấp, bất ổn. Ai bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư lúc này. Các sự việc vừa rồi cho thấy tính tuỳ tiện, chung chung trong thực hiện hợp đồng BOT, vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể trong hợp đồng. Luật dân sự ghi rõ cơ quan nhà nước khi tham gia các hợp đồng dân sự thì phải bình đằng, chứ không phải cơ quan quản lý doanh nghiệp", ông Huệ nói.

Một ví dụ đơn giản, theo quy định hiện hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng khi nhà đầu tư không tuân thủ chỉ 1 điều khoản. Ngược lại, cơ quan nhà nước phải vi phạm nghiêm trọng thì nhà đầu tư mới có quyền chấm dứt hợp đồng được.

Cái sai tại dự án BOT Cai Lậy thuộc về cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư, nhưng cuối cùng chỉ có nhà đầu tư phải chịu hậu quả.

Đừng làm luật theo cách ban ơn cho nhà đầu tư

Còn theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, những dịch vụ công gắn với quyền con người và quyền tự do đi lại, khuôn khổ khái niệm này rất quan trọng để thấy hợp tác công tư là trách nhiệm của nhà nước.

“Đáng ra nhà nước phải cung cấp nguồn lực nhưng nếu không có thì phải hợp tác để tạo dựng, tức là trách nhiệm cao nhất vẫn là nhà nước, chúng ta đang làm luật theo cách ban ơn cho nhà đầu tư điều này là không nên”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, BOT bị phản đối vì nhiều nguyên nhân trong đó có việc Nhà nước và nhà đầu tư đang tìm cách hưởng lợi từ người dân bằng việc đưa thêm chi phí vào. Đây chính là nguyên nhân BOT trở nên tệ trong mắt công chúng.

“Những con đường không thể thu phí được thì Nhà nước phải có chính sách để nhà đầu tư có lãi ở đấy và có rất nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ nhà đầu tư trong vấn đề này, không thể nói là không có được”, ông Dũng nhấn mạnh./.

An Nhi/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận