Gánh nặng thuế chuyển từ doanh nghiệp lớn sang người dân?

  • 14/11/2019 09:40:00
  • Trần Ngọc
  • Kinh tế
  • 0

Chuyên gia của Oxfam: Gánh nặng chịu thuế đã chuyển từ các doanh nghiệp lớn sang cho người dân, thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế.

 

"Hụt" thu thuế liên tục

Chi tiêu thuế là một thuật ngữ mới ở Việt Nam nói riêng và một số nước đang phát triển nói chung. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, chi tiêu thuế đã được thống kê và công bố công khai định kỳ từ cách đây vài thập kỷ.

Bên cạnh trốn thuế và tránh thuế, chi tiêu thuế là một trong ba cấu phần của hụt thu ngân sách nhà nước mà các nhà làm chính sách, các nhà hoạt động và các nhà phân tích rất quan tâm.

Chi tiêu thuế là các khoản ưu đãi thuế của chính phủ đối với một nhóm người nộp thuế và nó nằm ngoài mức thuế hoặc hệ thống thuế chuẩn. Nhờ các ưu đãi này, một nhóm người có thể chịu mức thuế suất thực nộp thấp hơn mức thuế suất phổ thông hoặc thu nhập chịu thuế thấp hơn mức quy định trong hệ thống thuế chuẩn. Có thể hiểu, chi tiêu thuế là số hụt thu thuế do việc áp dụng các điều khoản hoặc cơ chế đặc biệt.

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có các đặc điểm sau: có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đánh giá, thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống là một xu hướng đáng lo ngại. Mặc dù đã có nhiều cải cách tích cực, thực trạng hệ thống thuế hiện nay của Việt Nam còn phức tạp, chưa tương đồng với các nước trên thế giới. Một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có; cấu trúc thu ngân sách kém bền vững; tình trạng trốn và tránh thuế còn nhiều phức tạp; chu trình ngân sách kém hiệu quả; thực trạng phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương còn nhiều bất cập.

Chia sẻ tại Diễn đàn Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2019 với chủ đề "Hướng tới một hệ thống thuế công bằng" ngày 13/11, bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý Chương trình Cấp cao về Quản trị của Oxfam tại Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, nguồn thu ngân sách từ thuề qua các năm giảm dần, thu ngân sách đã giảm từ mức 27.3% GDP (2010), xuống 23.7 % GDP (năm 2016).

Vì sao thu ngân sách từ thuế giảm?

Một trong những lý do giảm thu ngân sách và thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm qua, theo bà Hương, là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ năm 2006, từ 6.9% GDP năm 2010, xuống còn 4.3% GDP năm 2017.

Bà Nguyễn Thu Hương

Bà Nguyễn Thu Hương nhận định, gánh nặng chịu thuế đã chuyển từ các doanh nghiệp lớn sang cho người dân, thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế.

Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20% thì Thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%, bà Hương cho hay.

Phân tích của nhóm nghiên cứu VEPR cho thấy rằng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng hơn nữa khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Và nếu cắt giảm các ưu đãi Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20%, trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Phân tích mô phỏng cho thấy, xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có tác động tiêu cực đến các nhóm thu nhập cao, vốn được hưởng lợi chính từ các ưu đãi thuế. Trong trường hợp chính phủ sử dụng phần ngân sách tăng thêm một cách khôn ngoan, thì việc xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua việc tăng đầu tư phát triển hay tăng trợ cấp cho người nghèo.

Ông Johan Langerock.

Đồng quan điểm này, ông Johan Langerock - chuyên gia chính sách thuế của Oxfam cũng cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua "không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế". Những năm qua, tổng thu ngân sách từ thuế của Việt Nam đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế.

Thực trạng nói trên nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự bền vững của ngân sách quốc gia, bởi xu hướng này đồng nghĩa với việc hệ thống thuế hiện tại đang thất bại trong việc nắm bắt và phân phối lại thu nhập và tài sản của quốc gia.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một trong những lý do chính của việc thu ngân sách từ thuế giảm xuống là do tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, thực tế lại tồn tại một nghịch lý là nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế (nguồn thu mất đi do ưu đãi thuế) vẫn duy trì ở mức cao; dẫn đến việc công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu ngày càng phát triển trong khi phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ lại bị bỏ qua.

"Chúng ta không thể bỏ qua việc tính toán này vì chi phí phải đánh đổi về mặt xã hội là quá lớn", ông Johan Langerock nhấn mạnh.

Từ đó, chuyên gia này đưa ra 2 khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam. Thứ nhất, loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh tác động. Thứ hai, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này. Nếu làm được như vậy thì sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng./.

Trần Ngọc/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận