Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chiến lược và đầy tiềm năng của Việt Nam với dân số hơn 1,42 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản của nước này khoảng 160 tỷ USD/năm, tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi, thủy sản và sản phẩm thủy sản, thịt và sữa…
Thời gian qua, Trung Quốc triển khai áp dụng chặt chẽ các quy định về ghi nhãn mác truy xuất nguồn gốc và yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế thương mại tiểu ngạch khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường đông dân nhất thế giới này sụt giảm đáng kể trong 9 tháng đầu năm nay.
Sự thay đổi của thị trường Trung Quốc buộc các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp chế biến nông sản nói riêng phải có cách tiếp cận mới và sự hỗ trợ đắc lực từ cơ quan quản lý nhà nước. Trong bối cảnh này, báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm, nhằm thảo luận về những thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam và lắng nghe những người trong cuộc chia sẻ kinh nghiệm chinh phục thị trường đã không còn dễ tính này nữa.
PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm này trong bối cảnh doanh nghiệp nước ta phát triển rất nhanh, những thành tựu của nông nghiệp được khẳng định không chỉ bằng số liệu mà còn thể hiện ở đời sống của người dân ngày một tốt hơn. Nhưng bên cạnh đó cũng có những thách thức- có vấn đề giải quyết ngay được nhưng cũng có vấn đề cần giải quyết kỹ lưỡng.
Ông Đỗ Chí Nghĩa mong muốn thông qua tọa đàm các vị đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ góc nhìn, thông tin để thúc đẩy thêm doanh nghiệp Việt Nam đồng hành với nông dân, cùng nông dân vươn lên hội nhập và khẳng định được giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Qua đó, tự tin tiếp cận thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
Tại buổi tọa đàm các khách mời, chuyên gia đã đưa ra quan điểm và cái nhìn thẳng thắn về những "điểm nghẽn" còn tồn tại trong việc sản xuất cũng như xuất khẩu nông nghiệp như chính sách về đất đai; chậm tiếp cận công nghệ 4.0 của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản; và thói quen sản xuất của nông dân...Và để xuất khẩu nông sản theo con đường chính ngạch cần một lộ trình lâu dài, nhưng để khắc phục những tồn tại vai trò của doanh nghiệp cũng như sự vào cuộc của Nhà nước là rất cần thiết.