Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong 1 năm vừa qua.
Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới khi lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường trong nước, nâng cao vị thế của mình ngay trên “sân nhà”.
Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam khu vực miền Bắc - bà Đặng Thúy Hà đánh giá, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP cao thuộc top đầu trong khối ASEAN. Mặt khác, kết cấu dân số Việt Nam đang ở mức trẻ, có khả năng tiếp cận internet nhanh nên người tiêu dùng Việt Nam có hứng thú trải nghiệm với những sản phẩm mới.
“Điều này thúc đẩy các thương hiệu mới phát triển nhất là khi tầng lớp trung lưu - nền tảng của tiêu dùng đang tăng nhanh. Tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm chất lượng cao chiếm đến gần 26% thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường và bắt kịp các xu hướng mới”, bà Hà cho biết.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BSCI) nhận định, ngày nay thói quen của người tiêu dùng đang dần bị thay đổi, mọi người không chỉ đến các cửa hàng để mua đồ vì họ có thể làm điều đó trực tuyến. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ như đồng hành cùng các thiết bị di động, mạng xã hội và thích nghi với việc mua hàng trực tuyến.
Ngoài ra, các nền tảng tìm kiếm và đặt chỗ như dịch vụ giao đồ ăn nhanh cũng như dịch vụ thuê nhà, đặt chỗ khám bệnh online… có thể giúp các doanh nghiệp sàng lọc, tiếp cận khách hàng tiềm năng và nâng cao sự tiện lợi của khách hàng hiện hữu. “Các doanh nghiệp nên tận dụng tối đa khả năng của truyền thông và nền tảng của Social Media để xây dựng, quảng bá thương hiệu. Bởi với hơn 50% dân số truy cập internet di động, mạng xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm tại Việt Nam”, TS. Võ Trí Thành đưa ra khuyến cáo.
Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tự thân
Có thể thấy, xu hướng thương mại điện tử đang thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại nhiều ngành hàng, từ nông thôn đến thành thị. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, dù người Việt rất ưa thích mua sắm trực tuyến, nhưng đa số là các mặt hàng giá rẻ vì vẫn lo ngại về các yếu tố chất lượng sản phẩm, thanh toán an toàn.
Vì vậy, để có được lòng tin với khách hàng và thị trường bền vững các nhãn hiệu phải thực sự chân thành với người tiêu dùng. Các nhãn hàng phải tạo ra nhiều lợi ích cho khách hàng và xã hội, đồng thời các nhãn hiệu phải cũng nên chú ý đến cảm xúc vui vẻ, hài hước khi quảng bá thương hiệu.
Không những vậy, các nhãn hàng cũng cần tôn trọng đạo đức kinh doanh và tạo ra bản sắc riêng của khách hàng. Đặc biệt, để có có một hệ sinh thái thương mại điện tử là “sân chơi” đủ lớn cho doanh nghiệp Việt thì việc phát triển điều đầu tiên là cần hoàn thiện khung pháp lý.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt hiện đang đứng trước cơ hội chuyển mình từ cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 và những lợi ích to lớn của xu thế hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại cũng như thách thức trong phát triển bền vững.
“Để tận dụng tối đa tiềm năng phát triển của thương mại điện tử, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, địa phương và trực tiếp chính là những doanh nghiệp bằng việc sớm hoàn thiện khung pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng logistics. Cần chú trọng hơn nữa vai trò “đòn bẩy” của Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trợ hỗ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Bùi Huy Hoàng chỉ rõ.
Giám đốc thương mại Công ty Kantar Nguyễn Huy Hoàng cũng cho rằng, không chỉ nên chú trọng vào việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp còn phải có những thay đổi tự thân. Cụ thể, doanh nghiệp Việt cần sớm nắm bắt thông tin đa chiều về sự thay đổi trong khuynh hướng tiêu dùng tại Việt Nam, cần chủ động thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị doanh nghiệp và tìm cách khắc phục những hạn chế, để có chỗ đứng vững chắc, không để bị thua trên "sân nhà"./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN