Một trong những vụ việc được dư luận quan tâm nhất những ngày qua là người tiêu dùng phát hiện và đăng tải trên mạng xã hội clip nghi nhân viên hãng thời trang Seven.am cắt mác hàng hóa ghi Made in China để thay bằng mác Made in Vietnam. Đằng sau vụ việc này có điều gì cần quan tâm?
“Niềm tin này biết gửi vào đâu?”
Đây là câu hỏi của những khách hàng thường xuyên sử dụng thời trang Seven.am như chị Phạm Thị Thu Huyền, giáo viên tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội khi hãng thời trang nội vào loại lớn nhất cả nước bị phát hiện cắt nhãn hàng Trung Quốc để may đè tem mác Seven.am: “Tôi mua thời trang Seven.am cũng phải 7 - 8 năm nay rồi, giá tuy hơi cao nhưng sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Thế mà bây giờ phát hiện ra có tới 9.000 sản phẩm là hàng Trung Quốc bị cắt mác thì chả hiểu đồ mình mua có phải là hàng xịn hay không nữa?”
Theo thông tin được Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội xác nhận, tại thời điểm kiểm tra 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang Seven.am trên địa bàn Hà Nội cơ quan chức năng chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm. Toàn bộ các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng đều có tem của sản phẩm Seven.am, xuất xứ Made in Vietnam, có gắn dấu hợp quy. Trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất, chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là “Công ty cổ phần MHA thời trang Seven.am”. Đáng chú ý là thương hiệu thời trang Seven.am không có xưởng may mặc riêng, chỉ có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội).
Bình luận về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng: “Cho đến thời điểm này Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chưa có kết luận chính thức, nhưng theo tôi có rất nhiều dấu hiệu nghi vấn câu chuyện đánh tráo nhãn mác. Thứ nhất là phần lớn không có chứng từ, hóa đơn. Thứ hai là lượng hàng Công ty này bán ra rất lớn, nhưng không có cơ sở sản xuất riêng. Thứ ba là rất nhiều hàng hóa nhập khẩu như vậy mà chỉ có một tờ khai thôi”.
“Lập lờ đánh lận con đen”
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, tình trạng đánh tráo nhãn mác không còn là hiếm hoi ở thị trường Việt Nam nữa, mà nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn thì sẽ trở thành phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này lại xuất phát từ niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam sau những thành công bước đầu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khách hàng tin tưởng hàng Việt, chấp nhận trả một mức giá cao hơn nhiều so với hàng hóa cùng loại từ Trung Quốc. Mặt khác, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn nên lượng hàng xuất khẩu và nhập khẩu đều nhiều, do đó rất dễ bị lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất để gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế xuất khẩu ra nước ngoài cũng như gian lận thương mại ở thị trường trong nước.
Hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên thì người lừa dối khách hàng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội Lừa dối khách hàng.
|
Trong khi đó, với tư cách công xưởng của thế giới, hàng hóa Trung Quốc luôn đạt được tiêu chí: đẹp và rẻ. Việc đánh tráo nhãn mác để “phù phép” biến hàng Trung Quốc thành hàng hóa của thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam có thể đem lại lợi nhuận 200% - 300% so với tự thiết kế và sản xuất. Đây chính là con đường mà một số tên tuổi lớn của Việt Nam như Khaisilk, Asanzo và rất có thể cả Seven.am đã lựa chọn để đem lại lợi nhuận cho mình. Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng: “Giải pháp cho vấn đề này trước hết là phải tăng cường kiểm tra kiểm soát các khâu quản lý thị trường. Đánh giá đúng năng lực của từng doanh nghiệp để kịp thời phát hiện những doanh nghiệp bán ra số lượng hàng hóa lớn hơn nhiều so với năng lực sản xuất thực tế. Khi phát hiện ra sự gian lận thì bên cạnh xử lý hành chính và xử phạt về mặt kinh tế thì cần có giải pháp xử lý hình sự để thực sự có tác dụng răn đe, phải có chế tài thật nghiêm. Chính sách đã đầy đủ nhưng người thực thi phải nghiêm túc và có trách nhiệm, tránh tình trạng lợi ích nhóm, bao che cho sai phạm của doanh nghiệp”.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng: “Những vụ việc này gây tổn hại rất lớn đến nền kinh tế, khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi và còn làm ảnh hưởng đến uy tín của những thương hiệu Việt làm ăn nghiêm túc. Khi ra thương trường quốc tế sẽ không tránh khỏi nghi ngờ và có những quy định gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu, giao dịch của Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, ngân sách nhà nước vì thế sẽ giảm đi và hàng triệu người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, cần phải có chế tài xử lý thật nặng những vụ việc vi phạm này. Cùng với đó cần có sự liên kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt sự tham gia của doanh nghiệp phân phối để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Nỗi đau doanh nghiệp Việt
Theo ước tính của một chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, nếu như một lô sản phẩm may mặc của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị phát hiện có dấu hiệu gian lận thương mại thì phía Mỹ ngay lập tức sẽ áp thuế “lẩn tránh” với tất cả sản phẩm may mặc nhập khẩu từ Việt Nam, và hàng ngàn doanh nghiệp Việt làm ăn nghiêm chỉnh cũng như hơn 2 triệu người lao động trong ngành may mặc sẽ phải trả giá cho lỗi lầm của một doanh nghiệp.
Nền sản xuất Việt Nam còn mỏng, nguyên phụ liệu đa số phải nhập khẩu, thậm chí, doanh nghiệp phải thuê đối tác nước ngoài gia công. Do đó vấn đề chính ở đây là sự minh bạch. Chẳng thế mà ông Nguyễn Vũ Anh, Chủ tịch hãng thời trang IVY Moda, đã từng cay đắng chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng: “Khi xây dựng nhà máy giày túi MILYS, tôi sử dụng các doanh nghiệp ở Việt Nam gia công cho IVY Moda một thời gian ngắn rồi phải chuyển sang gia công ở Trung Quốc và được nhập khẩu chính ngạch. Thời gian đó cũng có ý kiến cho rằng, không nên đề rõ Made in China vì sợ khách hàng tẩy chay. Tôi trả lời: Trước hết phải làm đúng, nếu khách không mua thì cũng phải chấp nhận. Thật sự bên trong, lòng tôi nhói đau”.
Việc chậm trễ có một bộ tiêu chuẩn quy định như thế nào là sản xuất tại Việt Nam có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thể hiện và chứng minh mình. Nhưng dù có như thế nào, thì việc thay thế nhãn mác ghi Made in China bằng nhãn mác ghi Made in Vietnam vẫn là một sự không minh bạch. Vì nói như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: “Nhãn mác là những thứ thể hiện về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước quản lý đối với sản phẩm. Hàng hóa từ các nước khác được nhập về cần phải được tôn trọng về quyền xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chứ không thể thích thì cắt đi, may lại”.
Chính cộng đồng doanh nghiệp cần lên án mạnh mẽ và kịp thời phát hiện những “con sâu” không chỉ làm rầu nồi canh, mà còn đạp đổ bát cơm của hàng triệu con người và đặt cộng đồng doanh nghiệp Việt trước tương lai không tích cực./.
PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương:
Doanh nghiệp Việt đừng “tham bát bỏ mâm”
“Tình trạng hàng Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam đã được cảnh báo từ lâu rằng nếu như để tình trạng đó xảy ra thì chúng ta không những mất uy tín mà còn bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trên thực tế thì trong hơn một năm qua tình trạng này vẫn tiếp diễn và càng ngày càng phát hiện ra nhiều hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc núp dưới nhãn hiệu Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa, phạt thích đáng để cho những kẻ còn muốn làm điều đó phải chùn tay. Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng là hết sức cần thiết từ địa phương đến trung ương. Thứ hai, doanh nghiệp Việt đừng vì cái lợi trước mắt mà “tham bát bỏ mâm”, hàng hóa của Trung Quốc nếu không thông qua các doanh nghiệp Việt thì không thể nào “đội lốt” hàng hóa Việt Nam được. Bắt buộc phải có sự tiếp tay của các doanh nghiệp Việt. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần ý thức được rằng đây là lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp. Thứ ba là người tiêu dùng khi phát hiện ra thì cần phải báo cho các cơ quan quản lý. Với tư cách là người quyết định trong việc mua thì người tiêu dùng tuyệt đối không mua những loại hàng hóa đó”.
Song Thư ghi
|