Khi ứng dụng gọi xe công nghệ của nước ngoài (Grab, Uber) phát triển ở Việt Nam, người tiêu dùng và cả các tài xế tham gia dịch vụ này rất hào hứng, bởi được hưởng không ít ưu đãi từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đó nhiều chuyên gia kinh tế đã lo ngại, sau khi giành được thị phần, chiếm thế thượng phong so với taxi truyền thống, các doanh nghiệp này sẽ xóa dần ưu đãi. Và rồi thực tế đúng như các chuyên gia kinh tế cảnh báo, những ưu đãi dành cho người sử dụng Grab cũng như quyền lợi các tài xế tham gia ứng dụng này đang dần siết lại, người đi xe Grab vào giờ cao điểm có thể còn phải trả mức giá đắt hơn nhiều so với taxi truyền thống, cùng với đó là dấu hiệu làm ăn chộp giật của một số tài xế Grab khi quyền lợi của họ không còn được như lúc ban đầu.
Tương tự, trang mua bán Shopee cũng là kênh thương mại điện tử lớn nhất hiện nay. Shopee đã từng thu hút người dùng bởi rất nhiều ưu đãi như miễn phí vận chuyển, tặng Shopee xu… bán hàng qua Shopee được đánh giá là kênh bán hàng hiệu quả của những chủ cửa hàng kinh doanh online nhỏ lẻ. Thế nhưng, khi đã chiếm được vị trí vững chắc, Shopee bắt đầu tính cách thu phí của cả người mua lẫn người bán với đủ loại phí: phí giao dịch, phí chuyển khoản, phí thu hộ.v.v. Ngay cả những giao dịch thông qua ví AirPay - ví điện tử của trang này - cũng dần bị tước bỏ ưu đãi. Lạ một cái là dù thay đổi chiến lược, nhưng Sea - công ty mẹ của Shopee - vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 với thua lỗ trước thuế, lãi suất và khấu hao của riêng Shopee tăng 18,1% lên mức 253,7 triệu USD.
Câu chuyện từ Grab và Shopee không phải là cá biệt, mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều chiếm lĩnh thị trường Việt Nam theo cách đó: bước chân vào thị trường với rất nhiều khuyễn mãi, ưu đãi, kể cả chấp nhận lỗ lớn. Doanh nghiệp trong nước vốn mỏng, lực yếu, tư duy chưa nhanh nhạy rất khó để theo kịp những tập đoàn đa quốc gia dày dặn cả về vốn liếng, kinh nghiệm thương trường và không loại trừ cả chiêu trò. Khi các doanh nghiệp trong nước lần lượt bị bóp nghẹt thì dừng ưu đãi để chuyển sang giai đoạn thu hồi vốn liếng, tiến tới lợi nhuận.
Ngạn ngữ Nga có câu: “Miếng phomát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”. Các doanh nghiệp nước ngoài có quyền thực hiện mọi hoạt động kinh doanh, miễn là luật pháp không cấm. Người tiêu dùng cũng có quyền lựa chọn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình. Nhưng doanh nghiệp nội địa nhỏ bé, yếu thế thì lại cần một sự đoàn kết và cả thay đổi phong cách kinh doanh, phục vụ khách hàng tốt hơn, ví dụ như sẵn sàng chạy những cuốc xe ngắn với giá cước 15.000 đồng như tài xế Grab vẫn nhận chạy. Còn cơ quan quản lý rất cần tỉnh táo trước những động thái kinh doanh mới của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, để kịp thời có những quyết định ứng phó phù hợp, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển. Biết rõ là miếng pho mát trong bẫy chuột nhưng tại sao nhiều người vẫn muốn ăn? Câu trả lời là áp dụng công nghệ giúp chúng ta song phẳng, minh bạch. Mong rằng các nhà quản lý theo kịp sự phát triển của thực tiễn./.