Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết nhấn mạnh tới các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Hiện người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tăng kỷ lục, nhưng do không bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký đầu tư nên dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Theo ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50 là cần thiết để cơ cấu lại chính sách, "gạn đục khơi trong" luồng vốn FDI và xử lý các vấn đề phát sinh.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết mà Bộ Chính trị ban hành là rà soát vấn đề an ninh quốc phòng đối với các dự án FDI, đặc biệt ở các khu vực, lĩnh vực nhạy cảm.
Hiện nay, pháp luật đầu tư ngày càng thông thoáng, nên chuyện người nước ngoài 'núp bóng" người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt là có, do đó, việc rà soát an ninh quốc phòng là điều bình thường, ông Vũ Đại Thắng cho hay.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nêu rõ: Việc rà soát, cấm cấp phép, thậm chí rút dự án có ảnh hưởng an ninh quốc phòng được nhiều nước làm, trong đó có các nước như Mỹ, EU. Một số công ty công nghệ cũng đang bị hạn chế tiếp cận thị trường các nước phát triển Mỹ và EU vì lo ngại vấn đề an ninh.
Tại Nghị quyết số 50, Bộ Chính trị yêu cầu phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn "mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".
Để kiểm soát vấn đề này, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đã đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát như: Cấm cá nhân, tổ chức người Việt đứng tên hộ người ngước ngoài trong giao dịch đất đai. Kiểm soát hoạt động tín dụng, cho vay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản... Ban hành điều kiện chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư theo hướng góp vốn, mua cổ phần. Bổ sung các quy định về điều kiện an ninh - quốc phòng đối với một số địa bàn, lĩnh vực đầu tư FDI có điều kiện...
Nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có "bộ lọc" trong thu hút FDI trong giai đoạn tới, PGS. TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng: Cần chuyển cách đón đầu tư FDI theo kiểu thụ động sang thế chủ động đi tìm những nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện mà chúng ta đang mong muốn có được. Đó là những nhà đầu tư có thể tạo ra các lĩnh vực thay đổi được căn bản các hoạt động sản xuất trong nước khi mà chúng ta đang thiếu, chưa có.
Theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, phải tìm được những doanh nghiệp, những nhà đầu tư không cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước sẵn có, mà phải lấp được những khoảng trống, phải tạo ra bứt phá cho sản xuất trong nước. Và đặc biệt, các doanh nghiệp FDI phải liên kết được với các doanh nghiệp trong nước để tạo ra sự kết nối cho tất các các doanh nghiệp cùng đi lên, cùng phát triển.
Trước đây, Việt Nam dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ, cũng như các ưu đãi về tài nguyên, thì bây giờ không còn nữa. Việt Nam đã thay đổi mô hình tăng trưởng, không dựa vào vốn, không dựa vào lao động giá rẻ, không dựa vào các tài nguyên. Do đó, các doanh nghiệp FDI khi đến Việt Nam không nên nhìn vào những yếu tố đó. "Nếu chỉ nhìn vào những lợi thế đó thì không chỉ thất bại cho các nhà đầu tư nước ngoài và cũng không đúng với mong muốn chiến lược trong thu hút FDI của chúng ta", ông Cường nêu rõ.
Chỉ rõ những lợi thế của Việt Nam hiện nay, PGS. TS. Hoàng Văn Cường khẳng định, thị trường ở Việt Nam rất lớn, trong đó có nhiều lĩnh vực hiện đang bỏ trống mà bản thân các hoạt động sản xuất trong nước chưa có. Nhà đầu tư nước ngoài có thể vào Việt Nam để tận dụng cơ hội khai thác các lĩnh vực mới, tạo ra chuỗi sản xuất, cung ứng khép kín và mang sản phẩm từ Việt Nam đến với thị trường quốc tế./.
Nghị quyết số 50-NQ/TW nêu rõ:
Cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư, khái niệm về các hoạt động đầu tư, về danh mục địa bàn, lĩnh vực, đối tượng được áp dụng ưu đãi đầu tư trong các luật về đầu tư nước ngoài và các luật có liên quan để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về đầu tư, chứng khoán và quản lý ngoại hối theo hướng phân định rõ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp; thống nhất giữa pháp luật doanh nghiệp và quản lý ngoại hối về tài khoản mua bán, chuyển nhượng cổ phần.
Cần hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư; hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; Hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
|
Trần Ngọc/VOV.VN