Năm 2019, xuất khẩu lâm sản của các tỉnh phía Bắc tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu lâm sản cả nước, với giá trị ước đạt hơn 11 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm 2018...
Vùng sản xuất quy mô lớn chưa nhiều
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, lâm sản Việt Nam hiện được xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ của các tỉnh phía Bắc ước đạt 9,6 tỷ USD, lâm sản ngoài gỗ đạt 600 triệu USD.
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dân cư phân tán, trình độ dân trí còn hạn chế, kinh tế phát triển chậm, đời sống của nhân dân đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Sản xuất lâm nghiệp trong khu vực vẫn phổ biến là các hình thức sản xuất nhỏ lẻ, các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa nhiều, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn rất hạn chế. Do đó, giá trị sản xuất, lợi thế cạnh tranh, thu nhập của người dân một số nơi còn thấp.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động Lâm nghiệp 2019 các tỉnh phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho rằng, ngành lâm nghiệp nói chung và 31 tỉnh phía Bắc nói riêng tiếp tục hoàn thành khá toàn diện nhiệm vụ của ngành, trong đó có những chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, tạo ra những dấu mốc mới trong phát triển ngành. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn như hạn hán, cháy rừng và cả khó khăn về thị trường.
Năm 2019, cả khu vực xảy ra 202 vụ cháy rừng, tăng 51 vụ và gây thiệt hại 1.242,95ha rừng, tăng 966,97ha so với cùng kỳ năm 2018. Loại rừng bị cháy chủ yếu là rừng trồng chiếm 90%. Trong đó, 70% là rừng trồng thông, còn lại là rừng trồng keo, bạch đàn, phi lao. Tình trạng phá rừng, đặc biệt phá rừng tự nhiên để trồng rừng, khai thác lâm sản vẫn đáng lo ngại. Nhiều vụ việc phá rừng diễn ra với quy mô lớn, trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện và xử lý.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: “Vi phạm pháp luật về phá rừng và ứng phó hạn hán trong phòng chống cháy rừng đã có những chuyển biến tích cực, số vụ giảm nhưng diện tích phá rừng vẫn còn lớn, chưa thể hài lòng được”.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng còn chậm, một số tỉnh còn chi chưa đúng đối tượng, mục đích như Bình Phước, Điện Biên, Sơn La, Đắk Nông và Lai Châu.
Năm 2019, kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng đạt thấp, chỉ được 72,6% so với kế hoạch và 60,8% so với cùng kỳ năm 2018, kết quả cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn thấp. Đặc thù của khí hậu miền Bắc cũng gây nhiều khó khăn cho việc trồng, phát triển và bảo vệ rừng.
Cần giải pháp tổng thể
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, bước sang năm 2019, các địa phương và Tổng cục lâm nghiệp cần chủ động rà soát kế hoạch, chuẩn bị triển khai ngay từ đầu năm theo phương hướng làm thế nào để lâm nghiệp tăng trưởng cao dựa trên đà đang có nhưng phải bền vững. Trồng rừng là phải gắn với chế biến, tiêu thụ và áp dụng công nghệ cao, giống tốt. Cần duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42% sau 2020, giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế của lâm nghiệp không thấp hơn giai đoạn 2016 - 2020, không được dưới 6%.
Tổng cục Lâm nghiệp đưa ra 6 nhóm giải pháp nhằm phấn đấu đến năm 2020 có 300 ngàn ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển chế biến gỗ và lâm sản theo chuỗi giá trị.
Theo đó, các tỉnh phía Bắc phải tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm tối thiểu 10% số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên toàn quốc, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên và đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, cần phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm đủ tầm để tạo cơ hội, lợi thế cho các doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, đổi mới trong quản lý lưu thông hàng hóa lâm sản, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, khuyến khích, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.
Để nâng cao hiệu quả, ngành lâm nghiệp cần huy động thêm nguồn lực như thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn lực cho bảo vệ, phát triển rừng hay chủ động hợp tác quốc tế, vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các hiệp định, chương trình, dự án quốc tế.
Về cơ chế, chính sách, Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, cần triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các cơ chế, chính sách hiện hành và một số chính sách mới ban hành. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách để phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng, có chứng chỉ rừng bền vững được quốc tế công nhận.
Cuối cùng là giải pháp về khoa học, công nghệ, nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng, giống nhập nội có chất lượng cao, giống biến đổi gen phục vụ phát triển rừng sản xuất, công nghệ chế biến sau dăm gỗ và sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu./.