Ngày 17/12, Bộ Công Thương đã đưa ra thông tin về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019. Cụ thể, từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019). Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% . Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, thời gian tới, do dịch tả lợn Châu Phi qua giai đoạn đỉnh, tình hình dịch bệnh và số lượng lợn bị bệnh, tiêu hủy đã giảm dần nên một số nơi được phép tái đàn trở lại. Giá thịt lợn cao cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, do vậy sẽ giúp bù đắp một phần thiếu hụt. Ngoài ra, do giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao nên các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ nhập khẩu thịt lợn an toàn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm áp lực cho nguồn cung trong nước. Dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 201 tương đương khoảng 300.000 - 320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020 khoảng 600.000 tấn.
Riêng Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng (tăng khoảng 18% - 20% so với các tháng thường). Về nguồn cung, theo báo cáo của Cục thống kê Hà Nội: ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn đến hết tháng 10/2019 khoảng 1.180 nghìn con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10/2019 là 18.800 tấn hơi (tăng 4.600 tấn so với tháng 9). Như vậy, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn hơi.
Nhằm bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng, Bộ Công Thương đã triển khai đồng loạt các giải pháp như: phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “xác định mực độ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, đề xuất các giải pháp cần đối cung cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là nhu cầu tăng cao trong những ngày lễ, Tết; tính toán cụ thể cung cầu của từng tháng, trong thời gian 3 tháng tới; báo cáo kế hoạch tái đàn cụ thể bảo đảm bù đắp thiếu hụt nguồn cung. Phần thiếu hụt còn lại, phối hợp với Bộ Công Thương đề tính toán, đề xuất cụ thể số lượng cần nhập khẩu từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nguồn cung, kiên quyết không để thiếu hụt thịt lợn, nhấp là các dịp lễ, Tết, bình ổn giá thịt lợn và minh bạch thông tin, bảo đảm lợi ích hài hòa của người chăn nuôi, doanh nghiệp, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng.”
Bộ Công Thương sẽ thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ.