Xóa bỏ tư duy ban phát

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hay chỉ là bất đồng

 

Kết luận Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp vừa diễn ra cách đây 3 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hay chỉ là bất đồng. Cụ thể hơn nữa, Thủ tướng nhắc lại thông điệp, trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. “Không thể biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực của mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết, đừng có bệnh thờ ơ trong việc phát triển này”.

Thủ tướng yêu cầu: “Các cơ quan quản lý Nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”.

Đây không phải là lần đầu tiên giới doanh nghiệp phản ánh đến tận Thủ tướng những vướng mắc, bức xúc mà họ gặp phải trong quá trình làm việc với các cơ quan công quyền. Mà chuyện cán bộ ở cơ quan công quyền dùng quyền lực mềm để gây khó dễ cho doanh nghiệp đã là “chuyện thường ngày”. Cách đây vài năm, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - từng phàn nàn: chi phí bôi trơn thường chiếm đến 15 - 20% giá thành bất động sản, khiến cho giá bán sản phẩm bất động sản bị đẩy lên cao. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, con số 15 - 20% mà ông Hùng nêu ra vẫn là khá khiêm tốn, chưa phản ánh đúng thực chất.

Chi phí bôi trơn khiến giá thành bất động sản bị đội lên

Những lợi ích không công khai này khiến cho nhiều cán bộ ở các cơ quan công quyền không muốn “buông” cây gậy mà họ được trao, trái lại, muốn lợi dùng những quyền lực mềm ấy để “hành” doanh nghiệp, mưu lợi cá nhân, bất chấp có thể làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Bởi vậy, trong tác phẩm “Tham vọng quyền lực và sự tha hóa”, tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nêu rõ: “Quyền lực, khởi nguyên là của nhân dân, của cộng đồng. Khi mọi người tự nguyện đồng lòng tôn vinh ai đó là thủ lĩnh, là người phụ trách, thay mặt họ để xử lý công việc chung, thì đồng thời kèm theo, trao quyền lực cho người ấy. Khi quyền lực trao cho người không đủ nhân cách, thì nó trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân, “lợi ích phe nhóm”, thậm chí là công cụ để làm việc ác”.

Khi từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương lắng nghe và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mỗi năm Việt Nam có thêm 17% doanh nghiệp thành lập mới. Song tỷ lệ doanh nghiệp trên quy mô dân số của chúng ta vẫn còn thấp, 120 người dân mới có 1 doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ này ở các nước ASEAN là 90 người dân/1 doanh nghiệp, còn các nước phát triển thì cứ 10 người dân có 1 doanh nghiệp. Chúng ta mới có 7 cái tên doanh nghiệp trong tốp 200 doanh nghiệp tốt nhất châu Á, nhưng doanh thu cũng dưới 1 tỷ USD. Đến nay, chúng ta chưa có doanh nghiệp nào vào danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Khi còn tình trạng lạm dụng quyền lực mềm để “hành” doanh nghiệp thì doanh nghiệp khó mà đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận