Đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản

  • 26/12/2019 12:00:00
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Công tác phục hồi hệ sinh thái và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản được quan tâm...

 

Năm 2019, cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố thực hiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với quy mô lớn. Tổng số giống thủy sản được thả xuống các thủy vực tự nhiên là 91,3 triệu con, gấp hơn 2 lần so với năm 2018. Công tác phục hồi hệ sinh thái và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản  được quan tâm.

Suy giảm nguồn lợi thủy sản

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật. Đường bờ biển dài hơn 3.260km, vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, xen kẽ tự nhiên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái. Nguồn lợi hải sản đóng vai trò quan trọng cho hoạt động khai thác và phát triển ngành kinh tế biển.

Tại hội nghị “Bàn giải pháp thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản đã phát triển tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Cụ thể, vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng tinh vi như tình trạng tàu cá sử dụng các nghề lưới kéo, mành, ngư cụ có mắt lưới nhỏ, ngư cụ cấm, sử dụng chất nổ để khai thác trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và lặn bắt hải sản.

Việc xây dựng các công trình ven biển, đảo phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó có du lịch, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái. Lượng trầm tích lớn trong quá trình xây dựng đưa vào môi trường nước đã làm suy thoái sinh thái rạn san hô ở những vùng rạn gần kề như Vịnh Nha Trang, Phú Quốc...

Các hoạt động gây ô nhiễm như: vứt bỏ rác thải trong sinh hoạt, chất thải rắn, rác thải nhựa từ khách du lịch, neo đậu tàu, thuyền trên các rạn san hô; các nguyên vật liệu từ lồng bè phục vụ khách du lịch bị vứt bỏ trực tiếp xuống biển sau khi không còn sử dụng... tác động tiêu cực đối với các các hệ sinh thái và suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Ngành Thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân là do nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đối với sự phát triển bền vững ngành kinh tế biển chưa đầy đủ, chưa cao. Chưa ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề từ các nghề xâm hại sang các nghề thân thiện với môi trường còn thiếu, đặc biệt là sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển.

Cần có tư duy đúng về bảo tồn biển

Nhằm ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản đưa ra giải pháp, điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép. Cùng với đó là việc kiểm soát chặt chẽ ngư cụ cấm, khu vực và thời gian cấm khai thác, sử dụng chất nổ, xung điện…Đồng thời, Tổng cục Thủy sản cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu không có tư duy đúng về bảo tồn biển sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn. Chính vì thế, cần phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó tập trung nghiên cứu, sản xuất giống các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài bản địa, loài đặc hữu. Ưu tiên thả bổ sung loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài có giá trị kinh tế, khoa học, loài bản địa, loài đặc hữu vào vùng nước tự nhiên…

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho rằng, cần tổ chức nghiên cứu, xây dựng chính sách thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn, đào tạo, hội nghị, hội thảo, tài liệu, tờ rơi đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, trong đó tập trung tuyên truyền đối với các cá nhân, tổ chức được giao quản lý nguồn lợi thuỷ sản, người dân làm nghề khai thác thủy sản tự nhiên, đặc biệt là những người dân làm nghề khai thác thủy sản trái phép như xung điện, chất nổ, chất độc, giã cào.

Ngoài ra, sẽ tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chủ cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Tổng cục Thủy sản cần xây dựng một đề án huy động nguồn lực từ Chính phủ, hợp tác quốc tế để “quản lý hiệu quả và mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển 2030, Luật Thủy sản năm 2017./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận