Nông nghiệp Việt Nam: Thành tựu và những thách thức
Từ một quốc gia nhập khẩu, hiện nay nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh. Năng suất lao động nông nghiệp đã được cải thiện, vai trò, vị thế của người nông dân ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về tổ chức sản xuất, hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tại hội nghị đối thoại với đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU - "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 19/12 vừa qua, ông Lê Ngọc Thắng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết: “Chương trình số 02 của Thành ủy đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, tuy nhiên vẫn tồn tại một số khó khăn cần giải quyết”. Cụ thể theo ông Thắng cũng như ý kiến của các đại biểu đại diện các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản còn hạn chế; cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn chưa mang lại hiệu quả lớn; vấn đề nước sạch, ô nhiễm môi trường còn nhiều bất cập…Bên cạnh đó, tình trạng được mùa mất giá vẫn tái diễn. Việc xây dựng, phát triển và quản lý các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm làng nghề truyền thống...còn gặp nhiều khó khăn.
Việc tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn của nhiều HTX, tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khi tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang vẫn tồn tại. Theo đó, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ dẫn tới đất đai manh mún, phân tán; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ thấp, tính cạnh tranh chưa cao.
Đâu là giải pháp?
Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU, để giải quyết những vấn đề này cần tăng cường xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề và dạy nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…. Đồng thời, đánh giá hiệu quả thực tế các chính sách hiện hành của thành phố; hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt đẩy mạnh khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào trong nông nghiệp.
Trước đó, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã khẳng định, khoa học và công nghệ đã, đang là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp cả về năng suất và chất lượng. Thông qua các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp bộ, nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã được chuyển giao. Nông sản của Việt Nam ngày càng đạt chất lượng cao, có mặt ở các thị trường khó tính trên thế giới.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ quy trình sản xuất, Tập đoàn GFS xác định, việc tối đa hàm lượng công nghệ cao trong toàn chuỗi từ gien giống đến chăm bón, thu hoạch, chế biến, sản phẩm cuối cùng sẽ là nhân tố gia tăng giá trị và đảm bảo cho nông nghiệp hữu cơ phát triển hiệu quả, bền vững và có ý nghĩa lan tỏa.
Viện công nghệ GFS đã bắt tay cùng Viện Vật lý nhiệt - Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Ukraina ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao. Như vậy, song song với quá trình chuẩn bị gien giống, tích điền để phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao ở quy mô công nghiệp, GFS là số ít doanh nghiệp sở hữu công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ hàng đầu thế giới cho chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Bên cạnh đó, những công nghệ tiên tiến đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Nga, Israel...cũng được Viện Công nghệ GFS nghiên cứu, lựa chọn chuyển giao để có thể ứng dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa, được thiên nhiên ban tặng hàng nghìn cây dược liệu quý hiếm, đặc sắc cùng kho tàng đông y quý báu với hàng nghìn năm lịch sử đã mang lại tinh hoa và giá trị vô giá cho cộng đồng. GFS với tiềm năng của đội ngũ các nhà khoa học nhiệt huyết và là đối tác toàn diện của các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ danh tiếng trong và ngoài nước, cùng đội ngũ cán bộ tâm huyết đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu, GFS sẵn sàng mang đến cho xã hội những sản phẩm dược liệu hữu cơ đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc và văn hóa Việt.
Khi đó, không chỉ người tiêu dùng Việt Nam ngưỡng mộ các sản phẩm tiêu chuẩn Âu-Mỹ mà người Châu Âu, người Mỹ cũng yêu mến, tin dùng các sản phẩm của Việt Nam. Và như thế, việc đưa “Việt Nam thành vườn dược liệu của Thế giới” không phải là mục tiêu quá xa vời, mà nó hoàn toàn nằm trong tầm tay của GFS và các doanh nghiệp Việt Nam. Đó chính là việc thực hiện sứ mệnh “Trả lại vị thế tiềm năng vốn có của Việt Nam”.
Với GFS, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và đầu tư nguồn lực cho phát triển nông nghiệp là hướng đi bền vững và nhân văn. Không chỉ dừng lại ở việc mang đến những sản phẩm hữu cơ đặc sắc, mang đậm dấu ấn vùng miền, GFS xác định cần gắn sản xuất với phát triển nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, kiến tạo một hệ sinh thái nông thôn hiệu quả, bền vững, đậm chất văn hóa phương Đông.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, dược liệu đặc sắc gắn với điều dưỡng sẽ là mô hình lý tưởng mà GFS dành trọn tâm huyết để mang đến không gian nghỉ ngơi, thư giãn, chăm sóc sức khỏe chủ động cho mọi lứa tuổi. Mô hình này sẽ phát huy hiệu quả rất lớn giống như Me-byo – mô hình đang được áp dụng thành công tại Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực với nhiều mô hình nổi bật, hiệu quả. Mô hình của GFS sẽ là một trong những mô hình nổi bật có thể nhân rộng và phát huy hiệu quả tại nhiều địa phương trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng nhận định, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và dẫn dắt nông dân sản xuất. Vì vậy, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Đây chính là động lực mới đưa nông nghiệp Việt Nam hội nhập hiệu quả cùng thế giới./.