Thương mại vùng biên Móng Cái vượt qua nhiều thách thức để 'cán đích'

  • 30/12/2019 09:40:00
  • Trần Ngọc-Thanh Hà
  • Kinh tế
  • 0

Thương chiến Mỹ - Trung khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất nhập khẩu ở Móng Cái cũng như nguy cơ giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam.

 

Thúc đẩy lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có những diễn biến khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như nguy cơ giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường triển khai các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phi thuế quan nhằm kiểm duyệt nghiêm ngặt chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và quy chuẩn bao gói nhãn mác của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đứng trước nhiều thuận lợi và khó khăn, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã chủ động đổi mới cách thức chỉ đạo điều hành, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua địa bàn với phương châm hành động xuyên suốt “Đồng hành – Phát triển – Bền vững – Thịnh vượng” gắn phong trào thi đua năm 2019 với chủ đề "Tăng tốc, đột phá, chất lượng, hiệu quả” nhằm đạt và vượt các mục tiêu nhiệm vụ được giao.

Sự kiện cầu Bắc Luân II chính thức thông quan đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, bà Thúy Nga cho hay.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái nêu bật một số thành tựu trong năm 2019 như tổng kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD tăng 8%, thu ngân sách nhà nước đạt 835 tỷ đồng, dự kiến hết năm 2019 đạt 960 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái dẫn đầu về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh CDCI 2019. Tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp chiêu thương, thu hút doanh nghiệp với tổng số lượng doanh nghiệp tăng 20% so với 2018, thu hút 297 doanh nghiệp mới tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, đóng góp kim ngạch 350 triệu USD và tăng thu ngân sách 180 tỷ đồng.

Từ khi tham gia các FTA, số thu thuế nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh. (Ảnh minh họa)

Vượt khó để tăng thu ngân sách

Theo Bộ Tài chính, tổng số Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 hiệp định, trong đó có 12 hiệp định đang thực thi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023.

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018. Các Hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020). Từ khi tham gia các FTA, số thu thuế nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh, và việc đắp sự sụt giảm này gặp nhiều khó khăn.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2018, khi tham gia các FTA, thuế nhập khẩu của cả nước đã giảm 29.000 tỷ, trong 11 tháng năm 2019, thuế nhập khẩu giảm 13.000 tỷ. Bên cạnh đó, tỷ trọng thuế nhập khẩu trong số thu của ngành Hải quan cũng giảm dần.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho hay, cơ quan Hải quan không chỉ thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mà còn thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường và một số thuế nhập khẩu bổ sung, thuế chống bán phá giá…

Khi cắt giảm thuế suất theo các FTA thì chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu còn các sắc thuế khác vẫn thực hiện theo quyết định hiện hành. Có những mặt hàng chỉ có 1 sắc thuế, khi thuế nhập khẩu bằng 0 thì vẫn còn thuế VAT; có mặt hàng vừa có thuế nhập khẩu vừa có thuế VAT; có mặt hàng có cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT như mặt hàng máy lạnh. Xăng dầu có tới 4 sắc thuế, đó là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường, ông Lê Mạnh Hùng nêu rõ.

"Việc tăng các khoản thuế còn phụ thuộc vào kim ngạch xuất nhập khẩu, các biện pháp chống thất thu thuế của ngành hải quan. Toàn bộ số thu của ngành Hải quan thuộc về ngân sách Trung ương, số thu có giảm nhưng tổng số thu thì lại không giảm", ông Lê Mạnh Hùng nói.

Để bù đắp sự sụt giảm trong thu thuế nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho rằng, cần phải tăng kim ngạch, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý chống thất thu thuế kịp thời, thường xuyên, đặc biệt là đối với những dòng hàng, nhóm doanh nghiệp và thời điểm có thể gây ảnh hưởng tới chuyện thất thu.

Bên cạnh đó, cần tích cực tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển dịch vụ logistics, xúc tiến thương mại xuất nhập khẩu, đảm bảo an ninh trật tự khu vực cửa khẩu. Hoàn thành triển khai thực hiện hệ thống giám sát Hải quan tự động đối với toàn bộ các kho, bãi, cảng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn, tăng cường kết nối với doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin..., bà Nga đề xuất./.

Trần Ngọc-Thanh Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận