Nhìn lại CPTPP sau 1 năm có hiệu lực

  • 01/01/2020 22:17:01
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Sau 1 năm hiệp định thương mại CPTPP chính thức có hiệu lực, dù đã có nhiều đột phá về thúc đẩy cải cách thể chế, mở rộng thị trường… nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế từ CPTPP.

 

 

Đã thành công bước đầu

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá là “cơ hội vàng” cho kinh tế Việt Nam với con số GDP ước tính có khả năng tăng từ 1,32% - 2,01% đến năm 2035. Có thể kể đến những lợi thế do CPTPP mang lại với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản,  thực phẩm, dệt may, da giày... Cụ thể như đối với ngành da giày, Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh trong khối. Trong các quốc gia thành viên CPTPP, chỉ duy nhất Malaysia có cơ cấu ngành sản xuất, xuất khẩu da giày như Việt Nam nhưng Malaysia lại không phải là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam cho các đơn hàng xuất khẩu sang các nước thành viên trong CPTPP. Do đó, cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt Nam tăng tỉ trọng, tăng cơ hội sang các nước Chile, Australia, New Zealand, Mexico, Canada... khá lớn khi CPTPP chính thức có hiệu lực. Hay như tại thị trường Canada, nước này áp thuế nhập khẩu 0% cho cả da giày lẫn túi xách ngay lập tức mà không cần lộ trình là cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tương tự, CPTPP sẽ tạo cú hích lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam, góp phần đưa ngành này lên tầm cao mới trong tương lai gần. CPTPP mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới cho dệt may, nhất là một số thị trường Việt Nam chưa ký FTA như Canada, Mexico và Pê-ru,… Việc tham gia hiệp định CPTPP là cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là cầu nối quan trọng đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Đánh giá về kết quả sau 1 năm CPTPP có hiệu lực, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tác động của CPTPP trước hết là tác động về thể chế, giúp thúc đẩy cải cách thể chế của nước ta cho phù hợp yêu cầu của nền kinh tế thương mại toàn cầu và đảm bảo định hướng phát triển bền vững. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để tiếp cận thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, biến động khó lường, nhu cầu của thị trường thế giới sụt giảm nhưng chúng ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 7-8%. Điều này thể hiện các doanh nghiệp đã có được sự chuẩn bị bước đầu. “Các doanh nghiệp đã tận dụng CPTPP để mở ra những thị trường mới, những thị trường mà trước khi có CPTPP chúng ta chưa tiếp cận được. Gia nhập CPTPP là biện pháp quan trọng để chúng ta đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu tiêu cực khi phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Có thể nói, chúng ta đã thành công bước đầu khi tận dụng được lợi thế của CPTPP”, ông Lộc cho biết.

Chưa được hưởng lợi từ CPTPP

Mặc dù đã có những kết quả bước đầu nhưng nhiều lĩnh vực vẫn chưa tận dụng được lợi thế từ CPTPP. Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 7 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP của tất cả các mặt hàng nói chung chỉ đạt 1,17%. Tại thị trường Canada, tỷ lệ tận dụng chỉ đạt 6,45%, thị trường Mêxicô, tỷ lệ tận dụng đạt 4,16%. Đáng chú ý đối với hàng dệt may, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP chỉ đạt 0,03%.

Lý giải về tỷ lệ tận dụng ưu đãi Hiệp định CPTPP của hàng dệt may chỉ đạt 0,03%, các chuyên gia cho rằng, quy tắc xuất xứ của CPTPP đánh vào điểm yếu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Bởi có đến 80% nguyên liệu vải của Việt Nam được nhập từ các nước không thuộc CPTPP. Trong đó, khoảng 55% từ Trung Quốc, 16% từ Hàn Quốc, 12% từ Đài Loa và 6% từ Nhật Bản.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu trong khối CPTPP chỉ đạt: 1,6 tỷ USD/18 tỷ USD nhập khẩu, chiếm 8,8% tổng nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu của cả ngành. Với nguồn cung nguyên phụ liệu chỉ đáp ứng chưa đến 9% nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu của Việt Nam dẫn tới thách thức cho ngành dệt may Việt Nam để đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch Tổng công ty 28 chia sẻ: “Chúng ta nói nhiều về hưởng lợi từ hiệp định thương mại CPTPP nhưng thực tế nó mang lại rất ít, vì liên quan đến nguyên liệu. Nếu giải được nút thắt về nguyên liệu thì chúng ta mới được hưởng ưu đãi và thu hút được nhiều khách hàng đến đặt hàng”, ông Hùng nói.

Điểm nghẽn của ngành dệt may không chỉ nằm ở khâu dệt, nhuộm còn yếu dẫn đến Việt Nam khó đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” mà nằm ở câu chuyện triển khai thực thi các cam kết về xuất xứ hàng hóa đối với hàng dệt may của cả doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ. VCCI đã thực hiện khảo sát điểu tra đối với 8.600 doanh nghiệp về sự quan tâm của doanh nghiệp với Hiệp định CPTPP, mặc dù 26% số doanh nghiệp có tìm hiểu về CPTPP nhưng vẫn còn tới 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP. Kết quả điều tra cũng chỉ ra khó khăn, cản trở lớn nhất để tận dụng Hiệp định CPTPP được các doanh nghiệp đưa ra là: 84% doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; 81,48% doanh nghiệp bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước; tiếp theo là những vấn đề về năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó...

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Có thể nói nếu không có CPTPP, chúng ta sẽ không có sự đột phá sang các thị trường mới, tình hình xuất khẩu của chúng ta sẽ không đạt được kết quả như năm 2019 vừa qua.

Ông Lê Tiến Trường cho rằng, mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/1/2019 nhưng hướng dẫn trong Thông tư chưa rõ ràng, một số nội dung mâu thuẫn với cam kết của Hiệp định CPTPP, ví dụ như: Yêu cầu một số mặt hàng may mặc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ bông trở đi” mới cấp C/O mẫu CPTPP. Đến 25/10/2019, Bộ Công Thương mới có văn bản 8101/BCT- XNK gỡ vướng một phần, chấp nhận nguyên tắc “từ sợi trở đi” diễn ra hoàn toàn tại Việt Nam. Việt Nam chỉ áp dụng quy định cơ quan Chính phủ cấp C/O trong khi nhiều nước nhập khẩu trong CPTPP chấp nhận doanh nghiệp xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ. Việc Chính phủ cấp C/O sẽ không tiết kiệm được thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy, đối với quy tắc xuất xứ phức tạp đòi hỏi ngoài sự chủ động tìm hiểu nắm bắt của doanh nghiệp thì Chính phủ phải có hướng dẫn rất cụ thể và chính xác khi thực thi cam kết về quy tắc xuất xứ.

Như vậy có thể nói, mặc dù đã có những kết quả bước đầu nhưng để tận dụng tốt hơn những lợi thế này cần nỗ lực hơn từ phía chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp để cải cách các thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, giảm giá thành. Doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản trị, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra thương hiệu riêng để có thể xuất khẩu tới các thị trường.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận