Điểm sáng kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kinh tế Việt Nam vẫn có điểm sáng được các tổ chức quốc tế ghi nhận

 

Kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực

Ngày 17/12/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Điểm lại - cập nhật tình hình kinh tế bán thường niên. Theo báo cáo này, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp 4 năm qua. Báo cáo cũng chỉ ra khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam với tăng trưởng được duy trì nhờ vào khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019, cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới.

Đầu tháng 12/2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 lên 6,9% thay vì 6,8% như con số ước tính trước đó. Trong khi đó, ADB hạ dự báo tăng trưởng của Singapore, Thái Lan và nhận định nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu sụt giảm, đầu tư suy yếu. ADB cũng nâng mức dự báo GDP năm 2020 cũng tăng lên 6,8%, so với mức 6,7% đưa ra trước đây, với nhận định: “Với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong quý III, quý IV và sang năm sau nhiều khả năng tiếp tục được duy trì”.

Theo ADB, GDP trong 9 tháng năm 2019 của Việt Nam đạt 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua. Cùng đó, tiêu dùng cá nhân tăng 7,3%, trong khi đầu tư tăng 7,7% nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kể từ khi được dự báo có thể lọt vào top những nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2050, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ phát triển và ngày càng có độ mở tích cực. Chỉ tính riêng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI 11 tháng năm 2019 đạt hơn 3 tỷ USD, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có tới 68% tổng số vốn được đầu tư phát triển các ngành gia công chế tạo, hơn 10% khác thuộc về lĩnh vực bất động sản.

Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cuối tháng 6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận và ký kết hai văn kiện hợp tác quan trọng gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Giữa tháng 11/2019, dựa trên cơ sở dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Bloomberg đã chọn Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế dự báo là động lực cho tăng trưởng toàn cầu năm 2019.

Xuất siêu 2019 đạt 9,9 tỉ USD

Cơ hội với thị trường tài chính toàn cầu

Sự chuyển biến tích cực của Việt Nam không chỉ thể hiện trên lĩnh vực thương mại, mà trong cả một năm đầy biến động của tài chính, kinh tế thế giới, Việt Nam cũng khẳng định được những kết quả điều hành đúng đắn, phù hợp thực tiễn khi trong nhiều tháng, đồng Việt Nam là một trong hai đồng tiền của khu vực (cùng với bath của Thái Lan) không mất giá so với đôla Mỹ.

Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, cơ sở để tiền đồng Việt Nam duy trì được sự ổn định chính là năng lực sản xuất trong nước gia tăng và nguồn ngoại tệ chủ yếu được sử dụng để nhập hàng hoá trung gian, sản xuất hàng xuất khẩu nên cung - cầu ngoại tệ phục vụ sản xuất khá cân bằng. Dự trữ ngoại hối dồi dào trong khi chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức cao (1,8%) là yếu tố tiếp tục hỗ trợ tiền đồng tiếp tục giữ giá trong thời gian tới.

Ông Ketut Ariadi Kusuma - chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính WB - cho rằng: Việt Nam là một thị trường đã vượt qua biên giới của nhóm thị trường mới nổi ASEAN để tiến xa hơn. Chuyên gia Ketut Ariadi Kusuma tư vấn: “Cần thiết phải tăng nguồn tiết kiệm cho thị trường vốn và lĩnh vực tài chính và sau đó thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Để đạt được điều đó, cần phải mở rộng khuôn khổ cho thị trường vốn Việt Nam bao gồm tăng cường quản trị, phổ biến thông tin về doanh nghiệp và giá. Có một sự khác biệt giữa thông tin có sẵn tại Việt Nam và những gì các nhà đầu tư quốc tế có thể nhìn thấy. Cải thiện việc phổ biến thông tin, bao gồm thông tin về giá cho các nhà đầu tư quốc tế sẽ là chìa khóa để thu hút họ. Và điều đó sẽ giúp Việt Nam gần hơn với các thị trường tiên tiến hơn của khu vực ASEAN”.

Chuyên gia cao cấp phát triển khu vực tư nhân của ADB Don Lambert cho rằng, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu như Tokyo, Thâm Quyến, Singapore. Theo lý giải của chuyên gia này, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 7% mỗi năm, có nền tảng dân số trẻ, và trong 20-30 năm tới sẽ trở thành trung tâm của các hoạt động kinh tế với vị thế ngày một quan trọng hơn không chỉ trong ASEAN mà trên toàn thế giới.

Ông Don Lambert khẳng định: “Trong một cuộc họp gần đây, chính phủ dự kiến cần phải đầu tư 150-200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trong kế hoạch 5 năm tới. FDI đang chảy ồ ạt vào Việt Nam. Không một thành phố nào khác ở Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài chính toàn cầu tốt hơn TP.HCM. Và vì vậy, tôi nghĩ rằng TP.HCM có thể hưởng nhiều lợi thế từ sự tăng trưởng của Việt Nam để phát triển thành một trung tâm tài chính toàn cầu”.

Khẳng định động lực tăng trưởng

Mặc dù năm 2019, Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bất cứ quốc gia - dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển.

Trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; tạo sức bật mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ toàn nhiệm kỳ và tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới”.

Cũng trong bài viết này, Thủ tướng khẳng định một trong những động lực giúp kinh tế đất nước bứt phá trong giai đoạn tới chính là đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở nắm bắt, tận dụng tối đa cơ hội mở ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những yêu cầu mới đối với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta, mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới, bảo đảm không lỡ nhịp trong phát triển”, Thủ tướng nhận định.

Để tránh rơi vào nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”, duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng, Việt Nam phải nắm bắt, tận dụng tốt các cơ hội đang mở ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lấy động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo thay thế dần cho các nguồn lực đầu vào truyền thống ngày càng khan hiếm hoặc mất đi lợi thế./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận