Kỹ năng lao động đã trở thành đòi hỏi tất yếu
Ngày 15/11/2019, lần đầu tiên một diễn đàn cấp quốc gia về “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Skilling Up Vietnam được Chính phủ tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với sự tham gia của gần 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế. Đây là lần đầu tiên Chính phủ đứng ra chủ trì một diễn đàn về kỹ năng lao động Việt Nam.
Diễn đàn không chỉ khẳng định tầm nhìn, khát vọng trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn cho thấy Chính phủ đã thực sự quan tâm nghiêm túc đến vấn đề nhân lực Việt trong thời đại 4.0. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trong việc đưa ra các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, để hướng nghiệp gắn liền với DN theo đơn đặt hàng cũng như nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.
Lực lượng lao động cả nước hiện có khoảng 55 triệu người, trong đó chỉ có 24% đã qua đào tạo. Số lao động chưa có bằng cấp và chứng chỉ nghề còn lớn và Việt Nam thực sự có nhu cầu rất lớn về lao động có kỹ năng.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng nên tuy vẫn còn lợi thế giá nhân công rẻ, nhưng năng lực cạnh tranh thấp và có thể đối mặt với nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh.
Theo giáo sư Michael Porter - Chủ tịch của bảng xếp hạng “Năng lực cạnh tranh toàn cầu” (Global Competitiveness Report) - trong vòng 5 năm tới, số lượng lao động vẫn là yếu tố cạnh tranh quan trọng của nền kinh tế, nhưng hiệu quả của yếu tố này đối với tăng trưởng đang chậm dần và sẽ không còn hỗ trợ nhiều cho kinh tế Việt Nam trong thời gian kế tiếp. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là phải xây dựng được một chương trình hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nguy cơ con người phải cạnh tranh với máy móc là có thật khi phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp đó là 5.0. Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 86% lao động ngành dệt may và da giày tại Việt Nam có nguy cơ bị thay thế bằng máy móc và ngành công nghiệp lắp ráp ô tô sẽ hoàn toàn tự động. Việt Nam còn thêm phần bất lợi khi tốc độ tăng lương bình quân khá cao nhưng năng suất lao động lại thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Tăng năng suất để tận dụng lợi thế gối đầu
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tìm những có hội mới. Cải cách thể chế kinh tế vẫn là một cơ hội rất lớn để tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng và gây dựng niềm tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ số hoặc 4.0 là những cơ hội để Việt Nam có thể bứt lên, đi vào những lĩnh vực không còn giá rẻ nữa. Nếu cứ tiếp tục gia công thì giá chỉ đủ sống, không thể trở thành một nước thịnh vượng.
Đơn cử như với ngành dệt may, nếu cạnh tranh bằng đơn giá lao động rẻ, thâm dụng lao động cao thì không thành công được. Vì vậy ngành dệt may chuẩn bị từ năm 2014 nhằm giảm tỉ lệ lao động, tăng năng suất, từ đó kim ngạch xuất khẩu trên đầu người lao động sẽ tăng mạnh hơn. Thứ hai là tôn trọng phát triển bền vững, đầu tư nhà máy sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm năng lượng, chính sách xã hội cho người lao động tốt hơn với mục tiêu là ngành dệt may là nơi lựa chọn của người lao động, của thị trường lao động chứ không phải không có việc thì mới đi làm dệt may.
Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia hàng đầu Nhật Bản, tư vấn: “Trước khi nói đến công nghiệp 4.0 Việt Nam phải đảm bảo được hiệu quả hoạt động của DN. Chính phủ cần tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, theo hướng chú trọng thực hành chứ không phải là lý thuyết. Cơ sở đào tạo phải gắn chặt với DN, chương trình đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của DN. Cần xây dựng phong trào năng suất quốc gia với những biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra với sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ”.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết: “Theo nghiên cứu của VEPR, năng suất Việt Nam trong 25 năm qua chưa tăng được đến 3 lần. Tức là rất chậm. Không nên quá lạc quan rằng chúng ta có ngay những chính sách nào đó có thể giải quyết ngay được vấn đề này mà cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, đặc biệt là tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện chất lượng lao động. Chính phủ cần tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường cho những sản phẩm đang có lợi thế, tăng giá trị của sản phẩm sản xuất trong nước (bao gồm sản phẩm của các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam). Cần có những biện pháp hỗ trợ DN tư nhân tích lũy vốn, mở rộng sản xuất. Đặc biệt cần xây dựng phong trào năng suất quốc gia với tầm nhìn dài hạn để không tiếp tục phát triển tự do như hiện nay. Khu vực tư nhân sử dụng hầu hết lực lượng lao động của nền kinh tế nhưng không có cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất kinh doanh, không được đầu tư trang thiết bị, ít kinh nghiệm, thiếu thị trường và công nghệ dẫn đến năng suất bình quân của khu vực DN tư nhân rất thấp”.
Bộ Công Thương tính toán: Mỗi tỷ đô la xuất khẩu dệt may hằng năm có thể tạo ra khoảng 250.000 việc làm; nghĩa là từ nay đến năm 2020, ngành dệt may dự kiến tạo ra hơn 5,6 triệu việc làm.
|
Cần đầu tư cho nhân lực công nghệ thông tin
Theo dự báo Vụ Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Thông tin &Truyền thông, đưa ra mới đây, đến năm 2020 nhu cầu nhân lực CNTT của Việt Nam sẽ vào khoảng hơn 600.000 người. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra với ngành CNTT đó là đưa ra các biện pháp nhằm sớm giải được “cơn khát” nhân lực CNTT trình độ cao, đạt trình độ quốc tế.
Thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo tính đến năm 2017 cho thấy, hiện cả nước có 10 học viện, 123 trường đại học, 153 trường cao đẳng và hơn 350 trường trung cấp chuyên nghiệp đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT) - Tin học. Tuy nhiên theo PGS Bùi Thế Duy nhiều nhà trường dù tự nhận mình “đào tạo tốt” nhưng thực tế rất nhiều trong số đó lại toàn là những kiến thức khó áp dụng vào công việc thực tế của DN.
Theo Bytesoft Việt Nam, một DN tiên phong trong việc nâng cao năng lực kỹ năng của nhân lực CNTT, nhân sự giỏi và chuyên nghiệp chính là yếu tố sống còn của DN, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT. Vì vậy, DN này cho rằng, các cơ quan nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động phát triển nguồn nhân lực CNTT. Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo CNTT tăng sự thực tiễn trong chương trình đào tạo cử nhân CNTT và nội dung cần có tính mở cập nhập liên tục phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của DN. Các DN cũng cần phối hợp với nhà trường thực hiện và mở các lớp đào tạo nhân lực ngắn hạn. Cần đẩy mạnh những trung tâm đào tạo lập trình viên đạt chất lượng quốc tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các DN.
Giáo sư Paul Krugman của Đại học Princeton, người đạt giải Nobel kinh tế, từng phát biểu “Năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu về dài thì nó gần như là tất cả”. Đây chính là mục tiêu mà Việt Nam phải hướng đến, phải lựa chọn giữa làm việc cần cù hay làm việc thông minh sáng tạo./.
“Trong tình hình Việt Nam hiện nay, con số trung bình tăng trưởng ở mức 7-8%/một năm là phù hợp. Câu hỏi chính bây giờ là làm sao cải thiện tăng năng suất lao động ở mức 7-8%? Việt Nam không nên chỉ chú trọng bán những sản phẩm thuộc các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày mà cần tập trung hơn vào những mục tiêu dài hạn, những ngành có giá trị gia tăng cao”. Giáo sư Kenechi Ohno |