Thanh Hóa: Những 'nét son' trong thu hút đầu tư

Thành công trong công tác thu hút đầu tư đã tạo đà phát triển vượt bậc cho kinh tế - xã hội của Thanh Hóa năm 2019.

 

Tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh vận động và thu hút vốn ODA… là những hoạt động nổi bật góp phần vào những thành công trong công tác thu hút đầu tư của Thanh Hóa năm 2019.

Xúc tiến đầu tư có chọn lọc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 17,15% - mức cao nhất từ trước đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 126.072 tỷ đồng. Đặc biệt, Thanh Hóa đã thu hút đầu tư được 210 dự án đầu tư trực tiếp, gồm: 185 dự án đầu tư trong nước (DDI), vốn đầu tư đăng ký 24.850 tỷ đồng; 25 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đầu tư đăng ký 344,31 triệu USD. Trong đó, có một số dự án quy mô lớn như: Dây chuyền 3 - Nhà máy xi măng Long Sơn với tổng vốn đăng ký 3.400 tỷ đồng; Dây chuyền 1 - Nhà máy xi măng Đại Dương với tổng vốn đăng ký 4.247 tỷ đồng; Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa vốn đăng ký 2.500 tỷ đồng...

Một trong những điểm nhấn quan trọng là Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn đang được đánh giá là KKT thành công nhất cả nước với các ngành kinh tế được ưu tiên là công nghiệp nặng và công nghiệp hóa dầu. KKT Nghi Sơn cũng được xác định là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung.

Đến nay, KKT Nghi Sơn đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn, đóng góp cho tăng trưởng của Thanh Hóa như: Dự án trọng điểm quốc gia Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (9.000 triệu USD), Nhà máy xi măng Nghi Sơn (621,91 triệu USD), Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (22.259 tỷ đồng), Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn (4.980 tỷ đồng), Nhà máy xi măng Công Thanh (11.586 tỷ đồng)... Hệ thống các bến cảng tổng hợp, cảng container kết hợp dịch vụ logistic đang được các nhà đầu tư triển khai thực hiện, góp phần hiện thực hóa các tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Cảng dầu khí Nghi Sơn.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Trong năm 2019, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phản ánh qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 3 bậc, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 9 bậc so với năm trước; đã đưa vào hoạt động Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp 800 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế được tăng cường; lãnh đạo tỉnh đã tiếp, làm việc với nhiều đoàn công tác của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong, ngoài nước và ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư nhiều dự án lớn, trọng điểm; tổ chức các đoàn cấp cao đi xúc tiến đầu tư tại Liên bang Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thực hiện kế hoạch đầu tư công có nhiều chuyển biến, nổi bật là kết quả giải ngân; giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 7.485 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ; giải ngân đến ngày 20/11/2019 đạt 7.288 tỷ đồng, bằng 84,1% kế hoạch, đứng thứ 3 cả nước.

Không ngừng đổi mới, năng động

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Thanh Hóa tập trung vào thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu mà Thanh Hóa hướng đến là nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp để đồng hành cùng doanh nghiệp; duy trì chế độ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, đồng thời thiết lập, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của nhà đầu tư và doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Cùng với đó là tập trung huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trước mắt là hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối các địa phương. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: dịch vụ tư vấn pháp lý, quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường...

Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là xây dựng “Chính phủ điện tử” nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, thiết lập hệ thống giám sát thực hiện thủ tục hành chính, xử lý nghiêm khắc, kịp thời cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư các hạ tầng thiết yếu theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ kiểm tra, dễ thực hiện.

Toàn cảnh khu lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Hình thành và thúc đẩy phát triển các loại thị trường, nhất là thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, bất động sản, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư./.

Với vị trí “địa kinh tế”, KKT Nghi Sơn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Exxon Mobil với dự án tổ hợp hóa dầu và sản xuất vật liệu nhựa mới; Tập đoàn Mital với tổ hợp dự án luyện ferocrom, sản xuất các sản phẩm thép các-bon, thép không gỉ và nhà máy nhiệt điện; Tập đoàn Foxconn với dự án Hạ tầng khu công nghiệp điện tử...

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận