Tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy mua khẩu trang y tế về tích trữ đã giảm, nhưng thị trường tiếp tục khan hàng. Tuy nhiên, với tiến độ của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, cùng nhiều cá nhân, tổ chức vào cuộc phát khẩu trang miễn phí, người tiêu dùng có thể tin tưởng cung đáp ứng đủ cầu.
Hàng vẫn khó mua...
Chưa bao giờ diễn biến của thị trường khẩu trang y tế lại trở thành tâm điểm “nóng” như mấy ngày qua. Dạo một vòng qua các cửa hàng bán thuốc và trang thiết bị y tế tại Hà Nội (ngày 4/2) để mua khẩu trang, phóng viên hầu hết đều nhận được câu trả lời miễn cưỡng không có, hết hàng, không nhập được hàng... cùng sự cảnh giác, không mấy chào đón từ người bán. Một vài hiệu thuốc còn treo biển “hết hàng khẩu trang, cồn”... Một nhân viên bán hàng tại hiệu thuốc ở Phú Vinh, An Khánh, Hoài Đức chia sẻ: “Giá nhập vào cao nên tôi không nhập bán. Chỉ vì một hộp khẩu trang chẳng may bị quản lý thị trường phạt không đáng”.
Vòng vào chợ thuốc Hapulico (9 giờ ngày 4/2) , nhộn nhịp kẻ bán người mua nhưng không còn cảnh chen lấn mua hàng khẩu trang y tế như những ngày qua, các quầy thuốc cũng không còn trưng biển với nội dung “không bán khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, miễn hỏi”. Tuy nhiên, khi hỏi đến khẩu trang y tế thì người bán nào cũng lắc đầu, xua tay. Đặc biệt, khi phóng viên vừa chụp ảnh buôn bán tại chợ thuốc ngay lập tức một nhân viên bảo vệ đến yêu cầu: “Chị xóa bức ảnh chị vừa chụp đi. Chị có thấy ngoài cửa có biển quy định cấm quay phim, chụp ảnh không?”, kèm lời giải thích “ở đây người ta bán thuốc chứ không bán khẩu trang. Chiều nay sẽ có khẩu trang bình ổn giá bán tại chợ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng”. Tuy nhiên, tầm 4h30 cùng ngày quay lại chợ thuốc này vẫn không có chiếc khẩu trang nào được bán tại đây.
Tình trạng khan mặt hàng khẩu trang tại chợ thuốc Hapulico được coi là lớn nhất tại khu vực phía Bắc khiến người tiêu dùng càng thêm khẳng định về việc các hiệu thuốc này lợi dụng dịch bệnh mà tăng giá bán khẩu trang vài ngày trước đây.
Một tài khoản facebook có tên N.T chia sẻ: “Vì sao các bạn là tiệm thuốc, các bạn quan tâm tới bán thuốc chứ khẩu trang có hay không cũng chẳng quan trọng... Các bạn làm như vậy nó mất giá trị của tiệm thuốc chứ chẳng được lợi ích gì , rồi người ta sẽ hoài nghi về đạo đức của các bạn trong nghề”.
…Nhưng không thiếu
Mặc dù tình trạng khan hàng tiếp diễn ở nhiều hiệu thuốc nhưng theo ghi nhận của phóng viên không còn nhiều người đôn đáo, lo lắng xung quanh câu chuyện khẩu trang. Chị Lê Thị Hòa ở Cầu Giấy, Hà Nội đã không chọn mua khẩu trang y tế khi có giá 300.000 đồng/hộp bởi chị được khuyến cáo có thể dùng khẩu trang vải mà tác dụng như khẩu trang y tế.
Còn chị Phạm Thị Nhài ở Thanh Xuân, Hà Nội, khách mua hàng tại chợ thuốc Hapulico chia sẻ: “Tôi về ăn Tết ra Hà Nội muộn nên không mua được chiếc khẩu trang nào. Tuy nhiên, tôi được một người bạn cùng khu tập thể chia sẻ 10 cái. Hơn nữa, Hà Nội có nhiều điểm phát khẩu trang miễn phí, nếu cần vẫn có dùng nên tôi khá an tâm”.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều hiệu thuốc, cửa hàng, thậm chí người dân đã chủ động phát khẩu trang miễn phí. Tuy nhiên, trên mạng xã hội cũng đã ghi nhận một số trường hợp mượn mác từ thiện để mua đi bán lại khẩu trang. Bên cạnh đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng quản lý thị trường (QLTT). Từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 2.180 vụ, tạm giữ 466.326 chiếc khẩu trang các loại.
Vừa qua, Bộ Y tế có công văn về việc không thiếu khẩu trang y tế và trang phục phòng, chống dịch do virus Corona mới (nCoV). Theo đó, cung cấp danh sách hơn 30 công ty sản xuất khẩu trang y tế, trang phục phòng, chống dịch nhằm giúp các sở y tế, bệnh viện chủ động liên hệ, có kế hoạch trang bị phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đặc biệt, trong những ngày qua người tiêu dùng dành sự quan tâm lớn đến dòng khẩu trang của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và doanh nghiệp thành viên là Công ty Dệt kim Đông Xuân. Mặt hàng khẩu trang được làm từ vải dệt kim kháng khuẩn, có thể giặt 30 lần, giá chỉ 7 nghìn đồng/chiếc. Đây là mức giá tương đương với chi phí sản xuất. Được biết đơn vị có thể đảm bảo nguồn cung vải và thành phẩm cung ứng ra thị trường từ 300.000 - 400.000 sản phẩm/ngày. Tập đoàn dùng mạng lưới doanh nghiệp dệt may phủ kín toàn quốc để tạo ra các điểm sản xuất và cung ứng khẩu trang tại chỗ. Công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết chỉ bán 10 cái/người.
Trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ Y tế và các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, đại diện Công ty Cổ phần Tanaphar cho biết, quy mô sản xuất của doanh nghiệp đạt 70.000 chiếc khẩu trang/ngày. Từ ngày mùng 6 Tết đến nay, các công nhân của Công ty đã làm việc hết công suất 24/24h để đẩy nhanh tiến độ sản xuất đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Uy cho biết, đối với việc sản xuất khẩu trang, quan trọng nhất là màng lọc. Hiện Công ty còn khoảng 6 tạ nguyên liệu màng lọc, nếu các máy hoạt động hết công suất 3 ca/ngày thì quy mô sản xuất đạt khoảng gần 100 ngàn chiếc/ngày.
Công ty hiện vẫn bán khẩu trang 3 lớp với giá 30.000 đồng/hộp gồm 50 chiếc khẩu trang như trước đây mà không hề tăng giá. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu cơ, Công ty đang chỉ bán cho mỗi nhà thuốc tối đa 50 hộp, mỗi người dân đến mua chỉ bán tối đa 10 hộp”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay báo cáo của các nhà sản xuất trong nước cho thấy quy mô sản xuất mỗi ngày trung bình khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang. Với tiến độ sản xuất như hiện nay, nguồn nguyên liệu ổn định thì sẽ không có tình trạng đầu cơ và không xảy ra khan hiếm khẩu trang như vừa qua.