Được khởi công từ năm 2007, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (Tisco) được kỳ vọng sẽ giúp khởi sắc cho ngành gang thép. Tuy nhiên, sau 5 năm khởi công, dự án đã phải tạm dừng do rất nhiều lý do như tổng mức đầu tư tăng gần gấp đôi lên hơn 8 nghìn tỷ đồng, thời gian thi công kéo dài… Do mắc kẹt tại mở rộng giai đoạn II, có thời điểm Tisco rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản đang hiện hữu.
Tháng 4/2019, trong tài liệu gửi tới cổ đông chuẩn bị cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Tisco nhận định, hiện doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng. “Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại doanh nghiệp nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời” - báo cáo của Tisco nhấn mạnh.
Sau một năm nhiều biến động, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Tisco cho thấy nhiều điểm sáng, gây bất ngờ lớn với nhiều chuyên gia kinh tế. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 đã cho thấy kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Theo đó, doanh thu thuần trong quý IV của Tisco đạt 2.781 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của Tisco chỉ còn đạt 108,5 tỷ đồng - con số này tăng hơn 5 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí, Tisco báo lãi trước thuế gần 1,4 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với số lỗ 20,3 tỷ đồng trong quý IV/2018. Lũy kế năm 2019, Tisco đạt 10.433,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 4,6% so với năm 2018 và hoàn thành 73,4% kế hoạch.
Bên cạnh kết quả kinh doanh quý IV/2019 khả quan thì việc tiết giảm các loại chi phí đã giúp lợi nhuận trước thuế của Tisco năm 2019 tăng mạnh, tăng 43,4% so với năm 2018 lên 52,2 tỷ đồng. Lãi sau thuế cả năm đạt 41,7 tỷ đồng, tăng hơn 44,3% so với năm 2018 và lãi ròng thuộc về công ty mẹ gần 40,8 tỷ đồng, tăng 43,1%.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc Tisco cho biết, năm qua công ty nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên; sự chia sẻ, phối hợp của các bạn hàng nên kết quả sản xuất kinh doanh đạt nhiều khởi sắc, với nhiều chỉ tiêu kinh tế tốt hơn năm 2018. Năm qua, sản lượng tiêu thụ của công ty đạt gần 800 nghìn tấn thép; đời sống, lương và thu nhập của hơn 4 nghìn người lao động bảo đảm như mọi năm, thưởng tết bình quân đạt 8 triệu đồng/người; nộp ngân sách gần 400 tỷ đồng.
Phân tích về nguyên nhân đạt được kết quả kinh doanh ngoạn mục, ông Diệp cho hay: Thứ nhất, ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, tổng công ty thì các bạn hàng luôn tin tưởng vào uy tín, thương hiệu của Tisco. Thứ hai, Tisco nhận được sự quan tâm, đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn của các ngân hàng. Thứ ba, Tisco chủ động cải tiến kỹ thuật, quản trị tốt đầu vào, đầu ra, tiết giảm chi phí hàng trăm tỷ đồng… làm cơ sở để hạ giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II bị mắc kẹt thì công suất sản xuất thép cán hiện tại của Tisco đang đạt trên 1 triệu tấn/năm, với 3 nhà máy sản xuất thép cán bao gồm: Nhà máy Cán thép Lưu Xá, Nhà máy Cán thép Thái Nguyên và Công ty Cổ Phần Cán thép Thái Trung. Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, gang thép Thái Nguyên là nơi hội tụ đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, công nhân lành nghề, vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng tốt… Đây là những yếu tố cơ bản và là những lợi thế vững chắc để ngành gang thép có thể phát triển vững mạnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm của Tisco được sử dụng vào hầu hết công trình trọng điểm quốc gia như: Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân, tòa nhà Quốc hội, Trung tâm hội nghị Quốc gia, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, và nhiều công trình khác.