Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra đang khiến Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chao đảo và kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Việt Nam là quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc, có giao thương lớn và nguyên phụ liệu đầu vào phụ thuộc nhiều vào “công xưởng của thế giới” này nên chịu ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có 16 ca nhiễm virus Covid - 19 nên đã phải huy động một nguồn lực rất lớn về con người và trang thiết bị để vừa điều trị, vừa chế tạo kit xét nghiệm, vừa khoanh vùng chống dịch. Thậm chí học sinh, sinh viên đã phải nghỉ học 3 tuần để tránh lây lan. Có thể ghi nhận, việc chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu tích cực: không có người tử vong do Covid-19, không có bệnh nhân mới, 13/16 bệnh nhân đã hoặc chuẩn bị được xuất viện. Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động phòng chống dịch.
Nhưng bên cạnh việc tiếp tục duy trì những kết quả tích cực này cần có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
Đã có những dấu hiệu kinh tế đang bị đình trệ, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đóng cửa, thiếu nguyên phụ liệu dệt may hay linh kiện cho một số ngành công nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất trong nước. Hoạt động xuất khẩu nông sản trong gần một tháng qua cũng đã có thời điểm bế tắc khi thị trường tiêu thụ lớn nhất bị ngưng trệ, du lịch cũng giảm một lượng lớn du khách từ Trung Quốc... Nhưng nhờ phản ứng nhanh nhạy của các bộ ngành, đặc biệt Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Du lịch…nên tới thời điểm này suy giảm vẫn trong sức chịu đựng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không kịp thời có giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất, cân đối tiêu dùng, thì nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhất là nếu xảy ra kịch bản tiêu cực như một dự báo của WHO rằng Covid-19 kéo dài đến hết năm.
Biến động do Covid-19 gây ra đang đòi hỏi nền kinh tế một lần nữa thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng thị trường, đa dạng ngành hàng, phản ứng linh hoạt. Kể cả trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, cần nhất quán về chính sách để doanh nghiệp, nhà đầu tư vững tin phục hồi sản xuất kinh doanh, không nhất thiết nới lỏng chính sách tiền tệ khi chưa phải là đòi hỏi thực tế cấp thiết./.