Mở ra cơ hội lớn
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Do đó, có thể khẳng định rằng gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD.
Với phạm vi cam kết rộng và toàn diện, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Về xuất khẩu, mặc dù hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam còn hạn chế. Cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% sẽ là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ, v.v... Vì vậy, Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường này. Đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, trong bối cảnh hoạt động XNK sang một số thị trường chủ lực đang gặp nhiều khó khăn do các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chủ nghĩa bảo hộ, EVFTA được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam, là cú hích rất lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam và giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Tác động này càng được cộng hưởng khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Ngoài ra, Chương trình GSP dự kiến cũng không thể kéo dài do nhiều ngành hàng của Việt Nam được EU coi là đã vượt trình độ cạnh tranh so với các nước được nhận ưu đãi khác.
Doanh nghiệp phải sẵn sàng với cuộc chơi
Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tác động của CPTPP và EVFTA trước hết là tác động về thể chế, giúp thúc đẩy cải cách thể chế của nước ta cho phù hợp yêu cầu của nền kinh tế thương mại toàn cầu và đảm bảo định hướng phát triển bền vững.
Trong thời gian qua doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam với trình độ phát triển thấp hơn, quy mô và năng lực của doanh nghiệp phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ gặp nhiều thách thức. Để khai thác tốt những cơ hội, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA, nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU. Đặc biệt là thông tin về các ưu đãi thuế qua theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Đánh giá về thách thức đến từ CPTPP và EVFTA, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, quy tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA đánh vào điểm yếu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Bởi có đến 80% nguyên liệu vải của Việt Nam được nhập từ các nước không thuộc CPTPP. Trong đó, khoảng 55% từ Trung Quốc, 16% từ Hàn Quốc, 12% từ Đài Loa và 6% từ Nhật Bản. Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu trong khối CPTPP chỉ đạt: 1,6 tỷ USD/18 tỷ USD nhập khẩu, chiếm 8,8% tổng nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu của cả ngành. Với nguồn cung nguyên phụ liệu chỉ đáp ứng chưa đến 9% nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu của Việt Nam dẫn tới thách thức cho ngành dệt may Việt Nam để đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Điểm nghẽn của ngành dệt may không chỉ nằm ở khâu dệt, nhuộm còn yếu, khó đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” mà nằm ở câu chuyện triển khai thực thi các cam kết về xuất xứ hàng hóa đối với hàng dệt may của cả doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ. VCCI đã thực hiện khảo sát điểu tra đối với 8.600 doanh nghiệp về sự quan tâm của doanh nghiệp với Hiệp định CPTPP, mặc dù 26% số doanh nghiệp có tìm hiểu về CPTPP nhưng vẫn còn tới 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP. Kết quả điều tra cũng chỉ ra khó khăn, cản trở lớn nhất để tận dụng Hiệp định CPTPP được các doanh nghiệp đưa ra là: 84% doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; 81,48% doanh nghiệp bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước…
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU.