“Đắt nhưng đắt chậm, rẻ không ai mua”
Chiều 17/2/2020, xưởng chế biến của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát tại Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội gần như đình trệ. Tất cả mọi hoạt động chỉ để duy trì việc làm cho người lao động như dọn dẹp vệ sinh máy móc, nhà xưởng và giải quyết những tồn đọng.
Vừa mở cửa một trong các phòng sản xuất giá đỗ công nghệ cao, ông Trương Cơ, quản lý xưởng chế biến tại xã Yên Mỹ của HTX An Phát hồ hởi: “Mẻ giá này vừa ra, giá sạch ăn giòn và ngon”. Cách đây vài hôm để chủ động cung cấp 3 tấn giá vào tuần tới cho học sinh các trường khu vực Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, ông Trương Cơ đã cho ngâm đỗ. Tuy nhiên, để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 nên lịch học của toàn bộ học sinh trên địa bàn Hà Nội và cả nước được kéo dài đến hết tháng 2 theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tỉnh, thành phố nên giá ra đến đâu, ông phải nhờ bà con địa phương ủng hộ đến đó. Giá sản xuất theo công nghệ cao, sạch, đảm bảo an toàn, chất lượng và giá bán chỉ đủ bù gốc với 10.000đ/kg nên ra đến đâu hết đến đó.
Ngoài sản xuất giá đỗ, mỗi ngày tại xưởng chế biến này thu mua và cung ứng khoảng 800kg rau củ quả cho các bếp ăn trường học, chưa kể 4 tấn đậu phụ và trứng gà... Bởi thế không chỉ giá đỗ, các loại rau khác ông Cơ đang tận dụng mọi nguồn lực tìm hướng tiêu thụ để tránh bị hư hỏng, lãng phí. “Là đơn vị giữ chữ tín và hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững nên chiều nay tôi vẫn tiếp tục nhập vào xưởng gần 3 vạn trứng gà của Công ty cổ phần Ba Huân do đã đặt hàng từ ngày trước. Tại thời điểm này, dù hạn chế trong tiêu thụ tại các trường, nhưng do đơn vị có chuỗi cửa hàng nông sản thực phẩm sạch tại 4 điểm ở Hà Nội nên chúng tôi cũng không mấy lo lắng”, ông Trương Cơ chia sẻ.
Trước đây, trung bình mỗi ngày HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát tiêu thụ từ 3 đến 4 tấn rau, củ quả, thực phẩm cung ứng cho các trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lận cân như Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên..., các bếp ăn công nghiệp và chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch để cung cấp cho người dân trên địa bàn Hà Nội.
|
Các cơ sở chế biến phục vụ bếp ăn trường học tạm dừng thu mua kéo các hộ chuyên sản xuất rau cung cấp cho họ cũng gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, trưởng nhóm 3 sản xuất rau sạch tại xóm 7, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì phải dậy từ 1 giờ sáng để thu hoạch và vận chuyển rau ra chợ đầu mối Ngũ Hiệp bán. Không có chỗ ngồi cố định bà phải đứng bán ngoài đường, cứ đến tầm 5h những người bán rau như bà lại chạy đôn, chạy đáo, giờ ấy giá nào cũng bán. Rau trên thị trường thời điểm này khan hàng và đắt đỏ nhưng theo bà Nghĩa: “đắt nhưng đắt chậm, lúc bán rẻ thì không có người mua”.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, chuyên sản xuất rau thủy canh với sản lượng 1 tấn/tháng: “Trước đây khi học sinh đi học bình thường thì HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát đến tận vườn của chúng tôi thu mua toàn bộ sản lượng. Nhưng giờ do học sinh nghỉ học tạm thời, HTX phải tận dụng bán lẻ cho người dân địa phương, số lượng còn lại cũng phải mang ra chợ bán. Rau sạch, ngon, sản lượng không nhiều nên không quá khó khăn trong tiêu thụ”.
Cũng là một trong những đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường học, ông Nguyễn Dương Lợi, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nhân Hòa, cho biết: “Để chủ động nguồn cung, công ty đã nhập đầy đủ các mặt hàng như thịt, rau củ, quả. Thực phẩm toàn là sản phẩm tươi, không bảo quản được lâu nên công ty cũng phải tận dụng nguồn lao động để mang ra chợ bán, phải chấp nhận bù lỗ”.
Luôn giữ tâm thế chủ động
Khó khăn trong tiêu thụ vẫn chưa phải là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp, HTX đối mặt trong thời điểm hiện tại. Ông Nguyễn Dương Lợi, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nhân Hòa, chia sẻ: “Công việc đình trệ, số lượng công nhân lớn, công ty đang phải hỗ trợ 70% lương cho công nhân. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài rất khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy chúng tôi mong thời tiết nắng ấm, dịch bệnh sớm được ngăn chặn, để hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường”.
Ông Khâu Hải Nam, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát cũng cho biết: “Việc làm tạm thời chưa ổn định nhưng đơn vị vẫn chi trả lương cho người lao động đảm bảo cuộc sống bình thường. Dù khoản chi phí này không hề nhỏ, nhưng với trách nhiệm của mình với người lao động, với sự phát triển bền vững, lâu dài của đơn vị nên HTX vẫn phải duy trì”.
Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, thời gian vừa qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát đã triển khai bán hàng cho bà con sản xuất qua rất nhiều kênh như gọi điện chào mời các nhà máy, khu công nghiệp để vào đơn, ship hàng tận nơi cho người tiêu dùng có nhu cầu. Thậm chí còn cho xe chở hàng tới khu đông dân cư để chào bán tại chỗ và vận động nhân viên mua ủng hộ... HTX vẫn bám sát lịch học của học sinh để chủ động sẵn sàng cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo nhu cầu.
Bà con trồng rau khi được hỏi vẫn rất lạc quan, bởi lẽ, rau thời điểm này cũng đang khan, nên không trong cảnh đổ bỏ. Bên cạnh đó, là cơ sở sản xuất chủ yếu cung cấp cho học sinh nên bà con mong muốn có sẵn sản phẩm đảm bảo nguồn cung dồi dào cho các em khi trở lại lớp học./.