Hàng trăm xe xuất khẩu còn tồn
Ngay từ khi dịch bệnh (Covid-19) bắt đầu gây tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây của ta sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương, bằng rất nhiều hình thức (kể cả thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng), đã liên tục cảnh báo, khuyến nghị và hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu qua các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, điều tiết việc giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. Đồng thời liên tục khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Tuy nhiên, tính đến ngày 17/02/2020 vẫn có hàng trăm xe xuất khẩu còn tồn tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Cụ thể, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn tồn 338 xe nông sản, hoa quả (Mít, thanh long, ớt, nhãn), linh kiện điện tử xuất khẩu; cửa khẩu Cốc Nam: tồn 10 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm); cửa khẩu Chi Ma: tồn 04 xe xuất khẩu (1 xe tái nhập khẩu thạch đen; 1 xe hạt tiêu, 2 xe quả sung khô; cửa khẩu Ga Đồng Đăng: tồn nhập 15 toa, trong đó 08 toa thép tấm, 07 toa quặng sắt . Tại tỉnh Lào Cai, còn tồn đọng khoảng 200 xe hoa quả tươi đang chờ xuất khẩu.
Chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây
Để tháo gỡ khó khăn, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh nhưng cũng không gây ảnh hưởng quá mức đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngày 18/02/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc.
Theo Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường và dự kiến dịch bệnh COVID-19 có thể còn kéo dài, các lô hàng nông sản và trái cây của ta, mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Trước tình hình đó, để giảm thiểu đến mức thấp nhất những nguy cơ, tác động tiêu cực, đồng thời để có cơ sở điều hành kịp thời, hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt trên cả nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương:
Khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ; Điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19; Tiếp tục phối hợp chủ động, tích cực và chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn: Theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng; liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, “quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu để tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành liên quan thực hiện công tác chuyển hướng thị trường thay thế một cách hiệu quả, kịp thời”.