Thị trường lao động và việc làm đã và đang chịu những tác động nhất định của Covid-19

  • 05/03/2020 04:37:42
  • Phạm Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Thị trường lao động và việc làm đã và đang chịu những tác động nhất định của dịch Covid-19. Mức ảnh hưởng như thế nào, trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp?

 

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về nội dung này.

Thưa ông, ông nhận định như thế nào về những tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động và việc làm của Việt Nam?

Thị trường lao động Việt Nam từ khi xuất hiện dịch Covid-19 cho đến giờ phút này tương đối ổn định ở góc độ chung nhưng rõ ràng có tác động cục bộ, theo quan sát và xem xét của cá nhân tôi thì trong một góc độ hẹp thì nó bị tác động bởi một số nhóm

Nhóm đầu tiên rơi vào thị trường lao động ở những vùng có dịch diễn ra. Người lao động rõ ràng có xu hướng không muốn đến những khu vực đang là trung tâm dịch

Nhóm thứ 2 là doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI có số lượng lao động dịch chuyển từ vùng có dịch trọng điểm đến Việt Nam làm việc. Ở một lĩnh vực, ở một nhóm, một khu vực nào đó có tác động đến tăng trưởng kinh tế do lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu hoặc bản thân một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu ở vùng có dịch bệnh thì cũng bị tác động do cánh cửa xuất nhập khẩu của chúng ta hạn chế hoặc do bản thân họ hạn chế

Dịch nếu tiếp tục diễn ra thì hoàn toàn có thể tác động đến thị trường lao động của Việt Nam. Chúng ta sẽ hạn chế lao động của các nước đang làm việc ở Việt Nam mà khi nghỉ Tết hoặc đã dịch chuyển khỏi Việt Nam khi có dịch xảy ra. Hai là chúng ta không nhập khẩu nguyên liệu của những vùng tâm dịch thì rõ ràng nó có tác động trong ngắn hạn và điều này tác động dài hạn trong tương lai nếu chúng ta không có giải pháp khắc phục hoặc nếu như dịch bệnh không được ngăn chặn, vẫn tiếp diễn.

Công nhân chế biến thủy sản xuất khẩu

Vậy thì để đảm bảo thu nhập của người lao động đáp ứng đời sống, có tính đến chính sách hỗ trợ người lao động trong thời điểm có dịch như thế này không?

 

Nếu như hạn chế số ngày làm việc thì tiền lương không đảm bảo đủ ngày lương, ngày công thì chắc chắn không đáp ứng được thu nhập bảo đảm nhu cầu đời sống cho người lao động. Doanh nghiệp không thể tự bỏ tiền ra bù tiền lương đó được. Nhưng các doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của pháp luật trong thực hiện nghĩa vụ BHXH. Đấy là sự gắn bó và mối quan hệ tương tác quan trọng giữa chủ sử dụng lao động và người lao động

Doanh nghiệp phải có chính sách giữ chân người lao động. Đây là chiến lược về phát triển nhân lực, biện pháp quản lý nhân sự trong doanh nghiệp phải lưu ý vấn đề này. Các doanh nghiệp phải sớm nghiên cứu và xây dựng các kế hoạch chương trình để chống đỡ tác động của dịch liên quan đến vấn đề nhập nguyên liệu, lao động. Doanh nghiệp cần có biện pháp sử dụng lao động tại chỗ để xử lý những biến động bất thường, thiếu lao động một cách cục bộ. Nếu không sẽ dẫn đến sản xuất đình trệ. Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là cả hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn, đẩy lùi dịch nhưng phải đảm bảo sản xuất và những vùng không có dịch phải duy trì sản xuất và sản xuất ở tốc độ cao hơn để bù cho những vùng đang bị hạn chế do có dịch mà chúng ta không tăng trưởng được kinh tế, bảo đảm làm sao vừa chống dịch, vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu chúng ta không tăng trưởng, không phát triển, không giải quyết việc làm không chỉ tác động đến dịch bệnh nhưng nó tác động ngay đến đời sống của cán bộ, công chức, người lao động. Tinh thần chung phải là chiến đấu dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

 

Ông nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhưng trách nhiệm của nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan quản lý thì ông có đánh giá, nhìn nhận và đề xuất như thế nào?

 

Việc một số doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, thiếu lao động thì đây là vấn đề khách quan. Vậy thì Chính phủ cũng nên nghiên cứu các chính sách giảm, hoãn, miễn thuế hoặc các chính sách khác hoặc vốn vay. Cứu doanh nghiệp thì thúc đẩy cho phát triển kinh tế xã hội. Cả người lao động cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp: tiền lương ít hơn, thu nhập giảm đi, còn chủ sử dụng lao động cũng chia sẻ với người lao động: đảm bảo duy trì tiền lương, dùng phúc lợi hoặc tiền thưởng hỗ trợ người lao động có đủ điều kiện sinh hoạt, duy trì sản xuất

Nhà nước thì tác động về thuế, xuất khẩu, về lãi suất ngân hàng, tiền vay, cái gì hỗ trợ được cho doanh nghiệp. Nhà nước là bà đỡ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nhất là trong lúc khó khăn như thế này. Đây là sự kiện bất khả kháng, không dự báo trước được

Lao động xuất khẩu - đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Bảo hiểm thất nghiệp cần được tính đến như thế nào trong những trường hợp người lao động không có việc làm hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch không, thưa ông?

 

Khi có dịch bệnh xảy ra, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo cho các địa phương chi bảo hiểm y tế cho phòng chống dịch. Một số doanh nghiệp không may do tác động của Covid 19 dẫn đến thất nghiệp tạm thời thì các doanh nghiệp có thể báo cáo, Bảo hiểm, Bộ lao động nghiên cứu để chúng ta xử lý phần nào đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp không bị ách tắc, giải quyết tức thời lao động thất nghiệp tạm thời để người lao động có tiền từ quỹ thất nghiệp để bảo đảm cuộc sống hàng ngày cho người lao động

Chính phủ nên triển khai thực hiện, Cơ quan giám sát chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Chính phủ chủ trương này nếu chúng ta thấy cần thiết xử lý để cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển

 

Những giải pháp nào có thể ổn định về lâu dài cho thị trường lao động và việc làm từ những tác động của dịch?

 

Nếu tiếp tục diễn biến thì thị trường lao động chắc chắn bị tác động. Trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp luôn có chiến lược dự phòng. Nếu dịch diễn ra không phát triển sản xuất dược do thiếu lao động thì phải có giải pháp để thu hút lao động tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nội vùng, trong nội doanh nghiệp, trong nội bộ phận hoặc chuyển việc làm đó từ doanh nghiệp về gia đình để duy trì sản xuất

Một loại nữa là không có nguyên liệu nhập từ những vùng tâm dịch thì có thể đào tạo đi trước đón đầu để giữ lao động và xin quỹ thất nghiệp để giải quyết đào tạo tại doanh nghiệp, cái này có khả năng

Doanh nghiệp phải có chiến lược lâu dài, phải nghĩ đến những biến động xã hội, biến động về chuyển dịch cơ cấu, biến động về thị trường và biến động về dịch. Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực luôn tính đến vấn đề này, quan trọng là ổn định được lực lượng lao động tham gia vào thị trường lao động. Vấn đề quan trọng là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để bảo đảm nguồn nhân lực của đất nước. Về vĩ mô phải có chiến lược phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực của cả nước.

Lao động trẻ vẫn là đối tượng có nhiều cơ hội

Với chức năng và vai trò của Ủy ban về các vấn đề xã hội, trước những vấn đề tác động lớn tới người dân thì Ủy ban có kế hoạch như thế nào trong việc đề xuất hoàn thiện pháp luật hoặc giám sát như thế nào?

 

Chúng tôi đã vào vùng dịch, như ở Vĩnh Phúc, thấy được khả năng biến động của thị trường lao động như thế nào. Ủy ban cũng đã giao thành viên của Ủy ban ở các địa phương theo dõi bệnh dịch, tình hình biến động lao động ở các địa phương và chuẩn bị các giải pháp

Chúng tôi hoan nghênh khi Chính phủ xử lý các biện pháp về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp cho người bị cách ly hoặc vùng nào phải dừng sản xuất để chống đỡ bệnh tật

Pháp luật không thiếu và không có lỗ hổng để xử lý. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư 70 ngàn tỷ đủ sức để xử lý vấn đề này. Các cơ sở, các bộ ngành địa phương phải năng động xử lý vấn đề này, cần thiết thì báo cáo. Vấn đề là tổ chức thực hiện để bảo đảm đời sống cho người lao động, duy trì sản xuất. Kể cả dùng một phần quỹ bảo hiểm thất nghiệp để xử lý khó khăn cho doanh nghiệp khi không giải quyết được việc làm cho người lao động như là trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, đào tạo mới, trong nguồn quỹ này chúng ta hoàn toàn vận dụng này, không phải sửa luật.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận