Đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát ngày 6/3 không chỉ biến những nỗ lực của ngành du lịch trong việc khắc phục hậu quả của đợt dịch lần thứ nhất hồi tháng 1 trở về con số 0, mà còn đưa các doanh nghiệp du lịch vào thế phải tạm dừng hoạt động.
Kỳ thị, xua đuổi du khách
Theo phản ảnh của một tourguide khi đang dẫn tour khách Âu tại Nam Định ngày 10/3, người dân địa phương và công an đã chặn không cho du khách, người lạ vào địa phương mà không hề có thông báo của chính quyền trước đó: “Sáng nay tôi dẫn một đoàn khách châu Âu đến huyện Nam Trực, Nam Định thì đã bị người dân chặn không cho vào địa phương. Họ gọi điện báo cho công an và điều đáng buồn hơn là khi công an đến làm việc đã không tìm hiểu thông tin du khách mà lập tức yêu cầu khách rời khỏi địa phương. Dù tôi đã cố gắng giải thích rằng đoàn khách này không thuộc diện cách ly và họ đã ở Việt Nam từ hơn 1 tháng nay”.
Không chỉ ở Nam Định, thông tin chia sẻ trên các diễn đàn du lịch trong những ngày này, tại nhiều địa phương khác cũng có hiện tượng tương tự, như tại Cẩm Thanh, Trà Quế (Hội An); Pù Luông (Thanh Hóa) du khách bị người chặn không cho vào địa phương. Tại Tam Cốc, Thung Nham, Thung Nắng (Ninh Bình) lái đò từ chối chở khách du lịch châu Âu… Nhiều điểm lưu trú homestay cũng bất ngờ không nhận khách mà không hề báo trước.
“Nhiều khách đã đến Việt Nam từ trước khi có dịch, hoặc khách đến từ vùng không có dịch cũng đều bị đánh đồng và ngăn cản không cho vào địa phương vì sợ lây lan dịch bệnh mà không có văn bản thông báo nào. Việc kỳ thị du khách này đang gây khó cho doanh nghiệp du lịch, làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách”, chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc Ecohosst travel bức xúc bày tỏ.
Thị trường đóng băng
Lượn một vòng quanh khu phố cổ Hà Nội sẽ bắt gặp những tờ giấy dán trên cửa các khách sạn với nội dung ngắn gọn, thông báo việc ngừng đón khách do dịch Covid-19. Tại Nha Trang và nhiều điểm đến du lịch trong cả nước cũng có thực trạng tương tự sau khi đợt dịch Covid-19 bùng phát tại châu Âu, và đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ 2 tại Việt Nam, sau chuyến bay VN0054 của Vietnam Airline từ Anh về Nội Bài hôm 2/3.
Các công ty lữ hành liên tục nhận được mail từ các đối tác là các nhà hàng, các hãng xe du lịch, khách sạn thông báo tạm ngừng dịch vụ, ngừng đón khách. Hàng loạt các di tích, danh lam thắng cảnh thông báo đóng cửa. Doanh nghiệp du lịch cắt giảm nhân sự, hoạt động cầm chừng để tránh “Bão Covid-19” khiến ngành du lịch lâm vào trạng thái “đóng băng”.
Chị Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giám đốc Công ty Dịch vụ Khoa học và Du lịch chia sẻ: “Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch Việt Nam, cả inbound, outbound và nội địa. Đợt dịch thứ nhất, các doanh nghiệp khai thác các tour đi Trung Đông, châu Âu chưa bị ảnh hưởng mạnh. Chính phủ và các đơn vị trong toàn ngành đã có những chính sách rất mạnh mẽ, quyết liệt, từng bước khẳng định thương hiệu Việt Nam - Điểm đến an toàn, bước đầu có hiệu quả. Nhưng đến đợt dịch thứ 2 bùng phát từ chuyến bay VN0054, dịch bệnh phức tạp, nguồn lây nhiễm đã lan ra trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ rất khó kiểm soát. Việc khách hủy booking trong những tháng tiếp theo là không thể tránh khỏi”.
“Khi dịch bùng phát lần đầu tiên, hoạt động du lịch bị suy giảm, các tour outbound đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản phải hủy hoàn toàn, inbound cũng vậy. Tuy nhiên, các tuyến khác dù bị ảnh hưởng ít nhiều những vẫn còn hoạt động. Đợt dịch thứ 2 bùng phát sau ở nhiều nước châu Âu và đặc biệt là ở Việt Nam sau chuyến bay VN0054 khiến thị trường inbound cũng như outbound bị ngưng trệ, cả các tour nội địa cũng vậy, mọi hoạt động kinh doanh du lịch gần như đóng băng”, anh Nguyễn Văn Tài, giám đốc Vietsence Tour cho biết.
Đại diện Viettour, chị Cao Tuyết Lan, chia sẻ: “Doanh thu 1 đơn vị ít thì vài chục tỉ/năm. Nhiều thì hàng ngàn tỉ/năm. Trong khi từ đầu năm đến nay mọi hoạt động đứng yên tại chỗ. Các tour ký kết hợp đồng và nhận được trong 6 tháng đầu năm đều bị delay hoặc hủy bỏ hoàn toàn. Thật đau xót”
“Ngủ đông” giữa mùa xuân
Trước thực trạng khó khăn của ngành du lịch sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2, giữa mùa xuân, mùa cao điểm, nhiều doanh nghiệp du lịch đã lựa chọn giải pháp tự “đóng băng” để bảo toàn và chỉ cố gắng bảo vệ hình ảnh du lịch Việt Nam, chờ đợi thời điểm khống chế hoàn toàn dịch bệnh để phục hồi.
Chị Cao Tuyết Lan nêu ý kiến: “Trong giai đoạn này, để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, mọi hoạt động du lịch nên dừng lại, không nên vì khó khăn mà nóng vội thúc đẩy việc tham quan trong nước, nếu dịch lan rộng thì tình trạng khó khăn sẽ kéo dài thêm, thiệt hại còn nhiều hơn”.
“Trong tháng 3 Vietsense sẽ tổ chức tour cho 21 đoàn khách nội địa và 535 khách đi các tour nước ngoài, nhưng giờ khách đã báo hủy hết. Tình hình dịch diễn biến phức tạp và lan rộng nên các giao dịch bán tour trong các tháng tới là không thể. Hiện nay, Vietsense chỉ duy trì trực công ty với số lượng nhân viên nhỏ, còn lại đành phải cho nghỉ không lương và hy vọng Việt Nam sớm khống chế dịch để có thể kinh doanh trở lại”, anh Nguyễn Văn Tài cho biết.
Chị Nguyễn Thu Thủy đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp có thể chịu được “tình trạng ngủ đông”, nín thở chờ thời cơ trong bao lâu, 3 tháng hay 6 tháng? Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp cần tập trung tái cấu trúc về nhân sự, tiền lương, các chế độ nghỉ phép, thưởng phạt, hệ thống bán hàng cũng như hệ thống sản phẩm. Doanh nghiệp cần đánh giá lại toàn bộ hệ thống để đưa ra quyết định phù hợp. Đây cũng là thời gian để doanh nghiệp có thể tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng nhân sự, khảo sát, đánh giá, xây dựng và làm mới hệ thống sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm mới đồng thời chỉnh trang môi trường làm việc, chờ đợi phục hồi”.
Cần lắm truyền thông minh bạch
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, chị Nguyễn Thu Thủy gợi ý: “Vấn đề trước mắt hiện nay đối với các doanh nghiệp là thiếu dòng tiền mặt do quỹ dự phòng tài chính (nếu có) chỉ đủ chi trả trong khoảng 6 tháng. Vì vậy cần có những chính sách vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, cho phép chậm nộp bảo hiểm xã hội, các chính sách giảm hoặc miễn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp… Đồng thời, để đảm tạo điều kiện phục hồi sau dịch, việc cần làm ngay lúc này là minh bạch và cập nhật rộng rãi tình hình dịch các doanh nghiệp có biện pháp ứng phó, tạo điều kiện cho những du khách đã đến Việt Nam...”.
Các chuyện gia dự đoán thời gian dập dịch tối thiểu phải mất 2 tháng, thêm khoảng thời gian lắng đọng chưa xác định nữa mới hồi phục lại được. Như vậy vào dịp hè tháng 6 mới có thể túc tắc trở lại. Đây lại là thời điểm nghỉ hè nhưng học sinh có thể phải đi học bù, du lịch nội địa có thể gặp khó khăn. Do vậy sẽ mất thêm 3 tháng nữa mới có thể bắt đầu lại. Nếu để lan tỏa những hình ảnh xấu đối với du khách quốc tế thì không biết đến bao giờ du lịch mới có thể phục hồi.
|
“Ngay lúc này, các cơ quan nhà nước cần kiểm soát thông tin, cung cấp thông tin chính xác để người dân biết rõ, hiểu đúng về dịch bệnh, tránh gây hoang mang dẫn đến các hành xử tiêu cực, kỳ thị xua đuổi du khách. Nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện. Doanh nghiệp cần có phương án bảo toàn, sẵn sàng các phương án truyền thông, kích cầu ngay khi các thị trường gửi khách cũng như các thị trường nối chuyến có tín hiệu phục hồi, kiểm soát được dịch”, anh Nguyễn Văn Tài đề xuất./.