Quá nửa số cửa hàng mặt đường đang đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng là chỉ dấu về "sức khỏe" của nền kinh tế dịch vụ và thương mại. Đó là những thứ dễ thấy trên đường, còn xương sống của nền kinh tế - hoạt động sản xuất của hàng vạn xí nghiệp, nhà máy lớn nhỏ trong cả nước - cũng không kém phần bi đát khi thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu đầu vào do nguồn cung bị tắc.
Nền kinh tế là một chuỗi liên kết đa dạng mà mỗi mắt xích đều có ảnh hưởng lẫn nhau và góp phần vào sự trồi sụt của biểu đồ phát triển. Nói một cách đơn giản, hàng phở đóng cửa sẽ khiến cho nhiều lao động mất việc, chủ quán phở sẽ không có tiền trả tiền thuê nhà, chủ nhà thiếu một khoản tiền để sinh sống... Sự suy yếu của một mắt xích gây ra khó khăn cho cả một chuỗi liên quan.
Vậy phải làm gì lúc này?
Hình ảnh mấy chị bán thịt, bán gạo ngồi ế sưng chiều 8/3 ngoài chợ là câu trả lời thực tế cho thói cơ hội, lợi dụng sự hoang mang của nhân dân để trục lợi, bởi chiều hôm trước các hàng hàng thịt vừa bán vừa đuổi khách với giá 300.000 đồng/kg. Khủng hoảng làm nảy sinh thành phần trục lợi, nhưng nếu người dân nhận thức đúng vấn đề và chia sẻ nhận thức đúng đắn ấy ra cộng đồng thì dù virus Sars - CoV 2 phát triển thế nào cũng không còn đất cho virus trục lợi phát triển.
Nhớ về hũ gạo cứu tế của dân ta năm nào, khi đất nước rơi vào tình cảnh bi đát, mỗi người tự nhận một phần thiệt thòi về mình để cứu hàng vạn người khác. Nhờ thế mà đất nước vượt qua nạn đói lịch sử. Khi tai họa là điều không tránh khỏi, thì kẻ sống sót là kẻ không chỉ biết thích nghi, mà còn biết chia sẻ khó khăn với cộng đồng, để nhờ đó mà giữ được bát cơm của riêng mình.
Thắt lưng buộc bụng, tiết giảm chi phí, thu hẹp sản xuất là việc tất yếu phải làm. Nhưng nếu như vậy là không đủ khi mà các doanh nghiệp đã phải "gồng mình" trong thời gian dài, sức lực đã ngấp nghé cạn kiệt thì việc các "ông lớn" - những cá nhân, doanh nghiệp đứng đầu chuỗi hoạt động kinh tế phải "ra tay" là hết sức cần thiết.
Chủ nhà nên chia sẻ tiền thuê nhà với chủ quán phở bằng cách giảm tiền, lùi hạn. Chủ quán phở nên chia sẻ với nhân viên của mình bằng cách trả lương tạm nghỉ việc hoặc làm việc luân ca với các quán mở cầm chừng... Ngay cả ngành điện, ngành nước cũng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Chuỗi kinh tế quốc gia cũng không là ngoại lệ. Lúc này, sự "mở lòng" của hệ thống ngân hàng sẽ là "liều thuốc quý" dìu các doanh nghiệp vừa và nhỏ "sống sót" qua cơn bĩ cực. Mỗi cá thể của chuỗi kinh tế chắc chắn sẽ bị thu hẹp túi tiền của mình, nhưng sẽ không ai lâm vào cảnh sập tiệm hay phá sản.
Một chủ doanh nghiệp chuỗi nhà hàng và khách sạn chuyên phục vụ khách du lịch nước ngoài trong khu phố cổ Hà Nội, giờ đang "thoi thóp" cố gắng duy trì hoạt động, bởi dịch thì tính theo tháng mà nợ ngân hàng lại tính theo ngày. Hơn 100 khách sạn lớn nhỏ chỉ trong khu vực phố cổ đã đóng cửa kể từ đầu mùa dịch. Khách du lịch vẫn tới dù thưa thớt, nhưng các ông chủ đang phải nai lưng ra tự làm vì đa số nhân viên đã trốn dịch về quê. Lo lắng và cẩn trọng để tránh rủi ro là cần thiết, nhưng sự hoảng loạn sẽ dẫn tới sụp đổ nền kinh tế mà mỗi chúng ta đều là nạn nhân, nếu như không biết cách chia sẻ với nhau trong cơn bĩ cực.