Doanh nghiệp cần biết chia sẻ

Sau khi lắng nghe những 'tiếng than' từ doanh nghiệp, Thủ tướng và các bộ, ngành đã ngay lập tức có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

 

Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Sau khi lắng nghe những “tiếng than” từ doanh nghiệp, Thủ tướng và các bộ, ngành đã ngay lập tức có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong điều kiện có thể. Cụ thể, Tổng cục Thuế đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Các ngân hàng thương mại đã tung ra nhiều gói để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong việc giảm lãi suất cho vay, hoãn, giãn, khoanh nợ. Giá xăng dầu cũng đã được điều chỉnh giảm mạnh…

Có thể những giải pháp này chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp, nhưng là nỗ lực rất cao của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, cho dù hầu hết nguồn lực đang tập trung vào phòng chống dịch. Tất nhiên, trong bối cảnh đó, Chính phủ không thể có ngân sách để tung ra những gói vay ưu đãi như khi đang bình yên, cũng như khó để có kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hay kho vận… như mong muốn của một số chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp. Và đây chính là lúc để cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ với Nhà nước và người tiêu dùng.

Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp sẵn lòng chia sẻ với cộng đồng, như tập đoàn VinGroup tài trợ 20 tỷ đồng nghiên cứu chống dịch, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tổ chức các chuyến bay đón công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, tập đoàn FLC tài trợ 5 tỷ đồng… Còn rất nhiều những hình thức tài trợ khác nhau, ví dụ như một nữ “đại gia chân đất” ở Bắc Giang tài trợ 50 tấn gạo để người dân an tâm tránh dịch hay một chủ khách sạn ở Hà Tĩnh cho mượn cơ sở kinh doanh làm điểm cách ly.

Tập đoàn An Phát tặng dân cư khu cách ly Trúc Bạch cốc giấy sinh học

Thế nhưng, cũng còn những doanh nghiệp và người kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, như găm hàng, nâng giá khẩu trang, nước rửa tay, nước súc miệng diệt khuẩn, mì tôm, gạo, thịt… gây lũng đoạn thị trường, tạo tâm lý hoảng loạn. Đặc biệt, có những “doanh nhân” được hưởng mọi điều kiện ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, giao lưu giao thương ở bên ngoài, khi về nước mang mầm bệnh còn cố tình khai báo sai, trốn tránh khai báo, trốn cách ly khiến gánh nặng y tế đè lên vai Nhà nước và chính những người xung quanh mình. Những người được gọi là “doanh nhân” đó cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mỗi ngày qua đi trong dịch bệnh lại có thêm những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trường học tư nhân gặp khó khăn. Trong lúc này, chia sẻ để tồn tại không phải là một khẩu hiệu, mà là một mệnh lệnh thực tiễn. Chúng ta cần sự chia sẻ của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân, nhưng cũng cần sự chia sẻ ngược lại của doanh nghiệp với người dân và Nhà nước, để chiến thắng trong cuộc chiến này.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận