Hiện nay, giá lợn đang ở mức cao, thế nhưng hầu hết người chăn nuôi không còn mặn mà với việc tái đàn. Chị Lê Thị Thúy, ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết: “Nhìn giá lợn lên thì cũng thích, nhưng bây giờ chúng tôi đang nợ nần chồng chất, vay không ai cho vay, hơn nữa dịch chưa ổn định nên cũng không dám tái đàn”.
Không chỉ ở Ngọc Lũ mà hiện nay ở nhiều vùng chăn nuôi lớn, người chăn nuôi cũng đang hết sức khó khăn và cũng không mặn mà khi tái đàn. Anh Đỗ Văn Nghĩa, chủ một trang trại lợn ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay bệnh dịch vẫn chưa ổn định nên việc tái đàn sẽ có rủi ro rất lớn. Như gia đình anh, trước dịch tả lợn Châu Phi, cả trang trại có hơn 6.000 đầu lợn, trong đó hơn 500 con nái, thế nhưng hiện nay anh chỉ nuôi cầm chừng gần 300 con nái và duy trì ở mức gần 1.000 lợn thịt. Vẫn biết giá lợn đang lên cao nhưng anh vẫn không dám tái đàn vì rủi ro là rất lớn.
“Ở đâu tái đàn tôi không biết, nhưng như xã tôi không ai dám tái đàn, vì có nhà tái xong lại chết hết. Thấy giá lợn lên cao ai cũng mong tái để gỡ, nhưng vẫn sợ, nếu mất còn mất nhiều hơn”, anh Nghĩa chia sẻ.
Ông Lê Đình Thất, thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết, giá lợn hiện đang rất cao nhưng gia đình ông cũng không dám tái đàn vì nhiều lý do: “Lâu nay có nuôi nữa đâu, vì không biết dịch thế nào dù thấy im. Có nhà ở đây vừa vào được một thời gian ngắn lại chết hết nên không ai còn dám tái đàn”.
Ông Trần Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc tái đàn hiện nay đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là hết sức khó khăn vì không còn cả lực lẫn công tác phòng dịch nên chỉ hy vọng vào các tập đoàn lớn để đảm bảo nguồn cung.
“Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có lẽ không thể tái đàn được, nhưng đối với các tập đoàn lớn như CP họ vẫn có hàng triệu con nái và các trại của họ vẫn hoạt động tốt thì đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng đảm bảo nguồn cung thịt lợn”, ông Trần Văn Quang cho biết.
Trước tình hình giá lợn lên cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có những chỉ đạo bình ổn giá thịt lợn, hoặc khuyến khích chỉ đạo tăng cường tái đàn, nhập khẩu thịt lợn… Tuy nhiên, nhìn vào thực tế câu chuyện này không phải dễ, mà cần nhiều giải pháp khác, tránh tình trạng lợi ích nhóm, đầu cơ, om hàng đẩy giá./.
Phạm An/VOV.VN