Xuất khẩu gặp khó khi Mỹ và EU đóng cửa biên giới

  • 26/03/2020 11:31:19
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Nỗi lo về nguyên liệu chưa kịp lắng, doanh nghiệp lại đối mặt với nỗi lo mới khi Mỹ và EU tuyên bố đóng cửa biên giới và tạm ngưng nhận hàng từ 3 tuần - 1 tháng.

 

 

Xuất khẩu giảm 6-8%

Nỗi lo về nguyên liệu chưa kịp lắng xuống thì doanh nghiệp Việt Nam lại nhận được thông báo của các đối tác tại thị trường Mỹ và EU sẽ tạm ngưng nhận hàng trong khoảng thời gian từ 3 tuần - 1 tháng. Thông tin này khiến các doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Bởi Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn và quan trọng của Việt Nam. Nếu tính riêng các doanh nghiệp dệt may Tp. Hồ Chí Minh thì thị trường Mỹ nắm giữ khoảng 50%, EU chiếm khoảng từ 15 -18 % tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Theo thống kê, hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt 2,25 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 48% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Xuất khẩu giày dép các loại đạt 985 triệu USD (tăng 7,4%). Hiện EU là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU tương đối lớn. Trong năm 2019, lượng hàng hóa xuất khẩu qua đường biển đạt 20,5 tỷ euro, đường hàng không đạt 14,5 tỷ euro, đường sắt đạt 671 triệu euro. Nhập khẩu qua đường biển, đường hàng không và đường sắt lần lượt là 5,990 tỷ euro, 3,56 tỷ euro và 9 triệu euro. Vì vậy, việc đối tác ở thị trường này thông báo tạm ngưng nhận hàng đồng nghĩa với việc gần 2/3 cánh cửa thị trường Mỹ và EU bị thu hẹp.

Chạy đôn chạy đáo tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, chưa kịp thở phào thì đã phải đối diện với việc xuất khẩu bị tạm ngưng

Đại diện Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu quý I và quý II/2020 của Việt Nam sang EU dự báo có thể giảm từ 6-8% nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 6. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm.

Đại diện một doanh nghiệp dệt may chia sẻ, tuần trước các doanh nghiệp còn chạy đôn chạy đáo tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, chưa kịp thở phào thì đã phải đối diện với việc xuất khẩu bị tạm ngưng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cú “sốc” khá lớn với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, đặc biệt là với những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang hai thị trường này. Đáng nói là sản phẩm của nhiều doanh nghiệp là hàng thời trang bán theo mùa, do đó nguồn nguyên liệu vải nhập đã được chuẩn bị trước 6 tháng. Việc Mỹ và EU thông báo ngưng nhập hàng sẽ khiến toàn bộ vải chuẩn bị may bán cho mùa hè năm nay phải chuyển sang năm sau, dẫn đến chất liệu sẽ trở nên lỗi thời và dự kiến 40% số vải hiện có sẽ phải bỏ hoặc bán cân ký. Bên cạnh đó, việc dừng nhận hàng đột ngột khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, nhiều container hàng đang trên đường vận chuyển khi đến cảng biển của Mỹ và EU sẽ phải lưu kho, chờ đến khi đối tác nhận hàng. Điều này khiến doanh nghiệp tốn thêm rất nhiều chi phát sinh còn dòng tiền bị “đóng băng”, không thể lưu chuyển.

Theo dõi sát diễn biến tình hình

Liên quan đến việc EU đóng cửa biên giới ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện vẫn chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU hay Hoa Kỳ về việc dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. Điều này đơn thuần chỉ là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này do gặp khó khăn từ dịch COVID-19. Qua làm việc giữa Bộ Công Thương, Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ, Phái đoàn liên minh châu Âu cho biết, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân. Các hàng hóa, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, thuốc men... bởi chính sách này không tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - EU. Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng cho biết không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang thị trường này.

Tuy nhiên, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ cho biết, do dịch COVID-19 nên hàng loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu và Hoa Kỳ đóng cửa nên những mặt hàng không thiết yếu như da giày, dệt may sẽ bị ảnh hưởng.

Chạy đôn chạy đáo tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, chưa kịp thở phào thì đã phải đối diện với việc xuất khẩu bị tạm ngưng

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo, với tốc độ tăng nhanh của dịch bệnh, việc xây dựng kịch bản để ứng phó dịch bệnh kéo dài trong thời gian vừa qua dường như chưa đủ. Chúng ta phải tiếp tục đánh giá, phân tích sâu hơn nữa, cập nhật kịp thời hơn nữa để đưa ra những phương án phù hợp hơn, mặc dù có thể khốc liệt hơn, phức tạp hơn và khó khăn hơn. Bởi vì, nếu những kịch bản đó có thể xảy ra, tác động và hệ lụy của nó đối với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam sẽ chịu tác động rất mạnh mẽ, không chỉ như vậy cả đời sống của nhân dân cũng sẽ bị tác động. Bộ Công Thương dù ở bất luận khía cạnh nào sẽ có rất nhiều trách nhiệm cũng như vai trò tham gia thực hiện việc đó.

Đồng thời Bộ trưởng Bộ Công Thương giao các Thứ trưởng tổ chức làm việc với Hiệp hội ngân hàng đánh giá tác động khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩn: dệt may, da giày, gỗ, điện tử, ô tô…  để xác định khó khăn thị trường, tài chính tín dụng v.v… để có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trước mắt các DN Việt Nam cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp. Song song với đó là tiếp tục rà soát thị trường, thúc đẩy hàng hóa trở lại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản – nơi kiểm soát dịch đã khả quan hơn.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận