Sẵn sàng với nguy cơ dịch bệnh kéo dài

Dịch Covid-19 đang khiến các nền kinh tế ngưng trệ. Đối với nền kinh tế nội lực yếu như Việt Nam, rất cần những lựa chọn phù hợp để doanh nghiệp "trụ" được.

 

Dịch Covid-19 đang khiến các nền kinh tế ngưng trệ ở những mức độ khác nhau.  Đối với nền kinh tế nội lực yếu như Việt Nam, rất cần những lựa chọn phù hợp để doanh nghiệp có thể triển khai “mặt trận thứ hai” song song với phòng chống dịch. Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong về những giải pháp khả dĩ giúp doanh nghiệp “trụ” được trong giai đoạn này.

Thưa Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, ông đánh giá như thế nào về thực trạng chung của doanh nghiệp (DN) Việt trong dịch Covid-19?

Dịch Covid-19 là một thảm họa quốc tế, là một thách thức chưa từng có đối với thế giới cũng như Việt Nam, thu hẹp rất nhiều thị trường và đứt gãy các chuỗi cung ứng. Chính vì thế hầu hết các DN đều khá lúng túng trong tìm giải pháp thích ứng. Trước mắt, một số DN vẫn duy trì những hoạt động trong khuôn khổ được phép, cùng với những biện pháp để phòng chống dịch. Một số khác chuyển sang sản xuất kinh doanh những mặt hàng có nhu cầu thị trường mới, đa phần các hoạt động kinh tế xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào kinh tế nền tảng, trên những phương tiện và những giao kết phi tiếp xúc truyền thống. Mỗi DN có những đánh giá, những phương án riêng để điều chỉnh sản xuất, duy trì lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như thương lượng để chống đổ vỡ hợp đồng hoặc là tranh chấp xảy ra kể cả trong và sau dịch. Nhiều DN cũng đang phải tập trung xử lý hàng tồn kho, nợ nần và các vấn đề khác để đảm bảo duy trì được các nguồn lực, hoạt động. Một bộ phận các DN đã phải ngừng hoạt động, nhất là các DN hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, chờ đợi hoặc tìm kiếm những hình thức kinh doanh kiểu mới, giao tiếp và kết nối mới để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài.

Cuối tháng 3, Tổng cục Thống kê đã ghi nhận gần 35.000 DN rút lui khỏi thị trường, cao nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số lượng thành lập mới. Trong bối cảnh đó có phương án nào giúp DN tồn tại qua đại dịch này?

Đây là một câu hỏi lớn đang đặt ra cho tất cả các nước, kể cả nước Mỹ. Chúng ta bước đầu có những giải pháp thiết thực nhất định như giảm, giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất, chậm đóng, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, kể cả giảm một số khoản thuế, tiền thuê đất... nhằm giúp các DN giảm bớt chi phí tài chính và tín dụng. Nhóm giải pháp thứ hai là tạo điều kiện cho các DN tiếp tục lưu thông hàng hóa hoặc duy trì chuỗi cung ứng đầu vào. Thứ ba là thực hiện những hoạt động đầu tư công, từ đó tạo thị trường liên kết hoặc tạo sức lan tỏa cho các DN có liên quan... Cơ bản thì cho đến nay chúng ta vẫn đang cố gắng giữ cho các DN trong sức chịu đựng của nền kinh tế. Dịch càng kéo dài thì những giải pháp càng phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và cũng khó khăn hơn.

Các trung tâm thương mại vốn sầm uất giờ phải đóng cửa vì dịch bệnh. Ảnh: Trube

Một trong những giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là mở “mặt trận thứ hai” cho DN song song với chống dịch, đặc biệt chú trọng đến thị trường nội địa. Nên quan tâm và thực hiện hoạt động hướng đến thị trường nội địa như thế nào, thưa ông?

Thị trường nội địa đang có sự sụt giảm, thay vì tăng trên 10% như cùng kỳ năm ngoái thì năm nay chỉ tăng xấp xỉ 4%. Tổng cầu xã hội đang giảm do người dân bị tiết giảm thu nhập dẫn tới cắt giảm chi tiêu, các hoạt động mua sắm của DN phục vụ sản xuất kinh doanh cũng bị giảm. Do đó quy mô thị trường trong nước hiện cũng có sự biến động. Nước nào cũng vậy thôi, sẽ lấy thị trường trong nước làm chủ lực trong bối cảnh đóng băng như thế này, để làm đối tượng phục vụ hoạt động kinh tế của DN, nhưng cũng không phải dễ dàng. Để làm được điều đó thì trước nhất vẫn là duy trì hoạt động của các DN sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, tăng cường dạng kết nối trên những nền tảng phi tiếp xúc, thực hiện thương mại điện tử... DN cần gắn kết với nhau nhiều hơn để tạo lập và gia tăng kết nối. Cần có biện pháp để tránh đổ vỡ hợp đồng, tránh tranh chấp trở nên quá nặng nề, quá sức chịu đựng của các bên và gây thiệt hại chung cho xã hội. Cuối cùng thì Nhà nước cần phát huy hệ thống giải pháp để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giúp DN giảm thiểu chi phí trong thực hiện hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ ra thị trường cũng như tham gia và rút khỏi thị trường.

Xin cảm ơn ông!

THU THÙY thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận