Chính sách hỗ trợ tài khóa: Cần hỗ trợ đúng, trúng, không thể 'cào bằng'

Gói hỗ trợ tài khóa nhằm ứng phó với dịch Covid-19 là hết sức cần thiết, tuy nhiên, cần cảnh giác trước các trường hợp lợi dụng trục lợi chính sách.

 

Gói hỗ trợ toàn diện, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh

Để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển trở lại sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhiều chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ cho phép gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức khoảng 220.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tính đến nay, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện ngay từ đầu tháng 4/2020.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ một loạt giải pháp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống còn 15 - 17%; sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi; sửa đổi các hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, những giải pháp nói trên sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, tuy về ngắn hạn có thể giảm thu ngân sách nhưng trong dài hạn doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm. Đây chính là nền tảng để nền kinh tế phát triển bền vững trở lại sau những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại.

Hỗ trợ phải đúng và trúng đối tượng

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ tài khóa được ban hành kịp thời là giải pháp quan trọng, thiết thực giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Chính sách tài khóa này vừa có tính giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề cho lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất.

“Các gói hỗ trợ về thuế, phí sẽ giúp các doanh nghiệp giữ được một lượng tài chính ngay trong tài khoản để duy trì hoạt động. Cùng với đó, việc giảm nhiều loại chi phí, lệ phí cũng khiến các doanh nghiệp giảm được chi phí để chiến đấu với dịch. Đây là những gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ và vô cùng kịp thời và hữu hiệu”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý, cần hết sức cảnh giác trước các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để "ăn theo" các gói hỗ trợ từ nhà nước. Cơ quan quản lý nên thẩm định hồ sơ kỹ càng, loại những trường hợp lợi dụng tình hình để xin ưu đãi dù không bị tác động bởi dịch bệnh.

“Trong lĩnh vực kinh doanh bán buôn, bán lẻ, có những ngành vỡ nợ, phá sản do không bán được, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải xin trả mặt bằng, ngừng hoạt động, nhưng cũng có những ngành hàng, mặt hàng lại bán chạy; hay các dịch vụ mang tính cộng đồng, tập trung đông người đang khó khăn nhưng có những dịch vụ vẫn hoạt động bình thường… Do đó, cần phải xem xét cụ thể mức hỗ trợ chứ không thể cào bằng như nhau”, ông Thịnh nêu ý kiến.

Ngoài ra, cũng cần cụ thể hóa hơn nữa các thông tin về mức miễn, giảm, giãn thuế và đối tượng hỗ trợ cụ thể để tránh những sự lợi dụng chính sách một cách không đáng có. Khi các thông tin về mức miễn, giảm, giãn thuế, đối tượng hỗ trợ cụ thể… được công khai, minh bạch thì các doanh nghiệp có thể theo dõi chéo lẫn nhau, tránh trường hợp lách luật, khai gian để hưởng lợi.

“Sự hỗ trợ của Nhà nước phải đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ để doanh nghiệp có thể khắc phục khó khăn, chuẩn bị điều kiện để tái cấu trúc, trở lại hoạt động có hiệu quả hơn sau khi dịch qua đi, đồng thời không bị thất thoát ngân sách nhà nước”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Để tránh tình trạng trục lợi chính sách, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần có sự quan tâm, theo dõi giám sát để đánh giá một cách chính xác nhất những thiệt hại của doanh nghiệp. Đồng thời, phải thường xuyên lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách để hỗ trợ kịp thời, đến nơi đến chốn theo tinh thần của Thủ tướng.

“Các cơ quan quản lý cũng cần ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý của mình để cắt giảm thủ tục hành chính và đưa thông tin đến các doanh nghiệp một cách nhanh nhất nhưng giảm thiểu tối đa chi phí cũng như thời gian của các doanh nghiệp”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận