Khách sạn “cháy” phòng, quá tải dịch vụ trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua ở nhiều điểm đến du lịch trên cả nước là tín hiệu khả quan cho ngành du lịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, còn đó những mối lo.
“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”
“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” là chương trình kích cầu du lịch được triển khai theo kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL do Bộ VH-TT&DL phát động ngày 8/5. Theo kế hoạch, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương và các bên liên quan tổ chức phát động Chương trình tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhằm thu hút sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp và các đối tác, thực hiện truyền thông để các bên và du khách có thông tin, tham gia tích cực. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch nội địa.
Các cơ quan quản lý du lịch tại các địa phương có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức phát động Chương trình, xây dựng các quy định hướng dẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương. Có chính sách hỗ trợ: Miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, điểm tham quan, bảo tàng, điểm du lịch do địa phương quản lý góp phần giảm giá thành, tăng tính hấp dẫn các gói kích cầu du lịch; Thông tin rộng rãi về việc mở của các điểm du lịch, về mức độ an toàn, sẵn sàng thu hút khách du lịch; Vận động, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các cam kết khuyến mại khi tham gia Chương trình, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện và chất lượng.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương cần hưởng ứng, tham gia chủ động, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chính sách giảm giá dịch vụ phục vụ khách du lịch, phối hợp với các hãng hàng không, vận tải, các bên cung ứng dịch vụ thành lập liên minh kích cầu du lịch, đảm bảo giảm giá nhưng không giảm chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Đối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, hãng hàng không, vận tải… Bộ VH-TT&DL yêu cầu xây dựng các chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng môi trường du lịch chất lượng, vệ sinh, văn minh, thân thiện và thực hiện tốt các quy định an toàn phòng, chống dịch.
Đồng loạt giảm giá sâu từ giữa tháng 5 đến hết năm
Thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đã bắt đầu tung ra các tour giảm giá thu hút khách nội địa. Với các tour từ Hà Nội, giá phòng khách sạn cao cấp đã giảm từ 30 - 50% so với giá thường; các combo nghỉ dưỡng cao cấp 3 - 4 ngày tại các khách sạn, resort 5 sao cũng giảm từ 20-50%. Có công ty du lịch tung ra tour kích cầu với mức giảm giá tới 70% cho các gói combo từ Hà Nội tới Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt... (gồm vé máy bay, ở 3 ngày 2 đêm khách sạn từ 3 sao trở lên) chỉ từ 1,59 triệu đồng/người... áp dụng cho khách khởi hành từ 10/5 đến hết 31/12.
Vietnam Airlines giảm giá 50% cho khách đi theo đoàn và nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn khác cho tất cả các chặng bay nội địa. Các hãng vận tải du lịch cũng đồng loạt giảm giá.
Hướng ứng kế hoạch kích cầu du lịch nội địa theo Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, nhiều địa phương đã lập tức có các chính sách giảm giá, phí dịch vụ tham quan các điểm di tích, danh thắng. Cụ thể, Thừa Thiên Huế sẽ giảm 50% phí tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế từ ngày 8/5 đến 31/7/2020, sau thời gian trên, tùy thuộc vào tình hình để quyết định việc có tiếp tục cho đến hết năm 2020 hay không. Tại Quảng Bình, giá bán sản phẩm du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” giảm xuống mức 2.500 USD/khách, áp dụng từ ngày 15/5 - 31/12. Tại Quảng Ninh, từ giữa tháng 5, người dân và du khách sẽ được miễn hoàn toàn phí thăm quan Vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử, từ ngày 1/6, Quảng Ninh sẽ tiếp tục có những chương trình khuyến mại hấp dẫn để kích cầu du lịch. Còn tại Sa Pa, các khách sạn, khu du lịch đồng loạt giảm giá tới 60%, hãng xe giảm giá dịch vụ từ 30 - 50%, khu du lịch Sun World Fansipan Legend giảm giá vé cáp treo tới 60% và rất nhiều ưu đãi khác…
Truyền thông du lịch an toàn
Trao đổi với Báo TNVN, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chưa chính thức công bố hết dịch, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khả năng bùng phát, khó lường (như tại Trung Quốc trong mấy ngày gần đây), việc nhu cầu đi du lịch để xả stress tăng đột ngột như trong kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 vừa qua là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp du lịch chủ động chưa tái khởi động đón khách, dẫn tới hiện tượng dù khách chưa quá đông nhưng đã quá tải dịch vụ trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc Ecohost Travel bày tỏ: Doanh nghiệp du lịch chỉ mong hết dịch để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hoạt động du lịch vẫn cần đặt mục tiêu bảo đảm an toàn cho du khách lên hàng đầu. Bởi vậy, song song với các hoạt động giảm giá, kích cầu… cần nhất hiện nay là ngành du lịch, các địa phương và cơ quan liên quan phải tăng cường truyền thông đến người dân và du khách tuân thủ các biện pháp an toàn phòng dịch khi đi du lịch, không vội vã mà lơ là biện pháp an toàn tại các điểm đến… Đồng thời đẩy mạnh quảng bá điểm đến mới, xu thế đi du lịch mới cho du khách lựa chọn, nhằm tránh việc đi du lịch tập trung theo phong trào, gây quá tải như trong dịp nghỉ lễ vừa qua./.