Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trận tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Giảm 50% lệ phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá bán xe của các doanh nghiệp ô tô trong nước do đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe.
Tuy nhiên, ưu đãi này chỉ dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc không được hưởng. Việc giảm lệ phí trước bạ 50% với xe sản xuất lắp ráp trong nước phần nào sẽ tạo ra lợi thế trước xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 2020 để kích cầu tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, sản xuất lắp ráp ô tô trong nước nằm trong số những ngành sản xuất công nghiệp chủ lực bị tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ với khách mua ô tô được Bộ Công Thương đưa ra khi tiêu thụ mặt hàng này giảm nghiêm trọng so với năm ngoái, trong khi tồn kho tăng tới 122,5%. Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô năm 2020 có thể giảm hơn 15%.
Nhưng, sau đó, Bộ Tài chính đã đưa ra ý kiến không đồng tình với đề xuất của Bộ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nội địa.
Cụ thể, trong văn bản góp ý vào dự thảo tờ trình Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất: Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế Tiêu thụ đặc biệt với ngành ô tô nội địa.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nội dung này vi phạm các cam kết về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Do đó, Bộ cũng đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết.
Giảm phí trước bạ, người mua sẽ hưởng lợi như thế nào?
Hiện mức thu phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Mức phí trước bạ với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Với mức giá ô tô trên thị trường hiện nay, việc giảm lệ phí trước bạ có thể giúp người mua xe giảm hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng.
Ví dụ: Một chiếc xe có giá 500 triệu đồng, muốn đăng ký tại Hà Nội, số tiền khách hàng phải bỏ ra để đóng thuế trước bạ là 60 triệu đồng (phí trước bạ 12% ở Hà Nội). Nhưng nếu được giảm 50%, số tiền này chỉ còn 30 triệu đồng.
Có nghĩa, người mua xe đã tiết kiệm được 30 triệu đồng khi mua xe mới. Nếu khách hàng mua xe càng có giá trị cao, thì mức tiết kiệm sẽ càng lớn khi phí trước bạ đã giảm còn 50%.
Con đối với xe bán tải, lệ phí trước bạ đang áp dụng là 2% giá bán xe. Vậy nếu, một chiếc xe có giá bán 1 tỷ đồng, bình thường phải nộp lệ phí trước bạ 20 triệu đồng, nay giảm còn 10 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Văn Đạt, chủ của 2 showroom bán xe tại Hà Nội cho biết, với mức giảm phí trước bạ như này, đây có thể là yếu tố giúp thị trường ô tô trong thời gian tới khởi sắc; Vì tâm lý của nhiều người đang có nhu cầu mua xe sẽ thấy đây là thời điểm tốt, giúp họ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí ban đầu. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hãng, đại lý cũng liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, ưu đãi để kích cầu.
Công thức cơ bản tính giá niêm yết một mẫu xe:
Giá niêm yết = Giá vốn + Thuế TTĐB + Chi phí bán hàng + VAT
Vì vậy, đề xuất giảm 50% phí trước bạ được thông qua giúp chi phí mua ô tô của người tiêu dùng giảm một khoản đáng kể./.
Gia Linh//VOV.VN