Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất Chính phủ cho phép các doanh nghiệp BOT tăng phí với lý giải: 4 tháng đầu năm, có 58/60 dự án BOT đang thu phí có doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến của phương án tài chính ban đầu để ký hợp đồng. Trong đó, có 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% dự báo do các hoạt động vận tải đường bộ phải dừng và giảm hoạt động. Từ năm 2016 tới nay, các dự án BOT giao thông chưa được tăng phí theo chỉ đạo của Chính phủ. Doanh thu từ thu phí thấp hơn kế hoạch, khiến các doanh nghiệp BOT gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng.
Bộ GTVT cho rằng chỉ có 2 phương án xử lý vấn đề này, đó là Chính phủ cho phép tăng phí BOT theo hợp đồng dự án, hoặc Nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp. Bộ GTVT cũng đề xuất các ngân hàng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp BOT, cơ cấu lại các khoản vay đầu tư dự án. Riêng các dự án giảm trên 50% doanh thu, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng bố trí ngân sách hỗ trợ, trường hợp cần thiết Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án.
Không có gì khó hiểu khi dư luận xôn xao bởi đề xuất này không chỉ đi ngược lại mong muốn chung của người dân và doanh nghiệp vận tải là giảm hoặc không tăng phí BOT, mà còn khá lạ lùng khi chưa doanh nghiệp BOT nào lên tiếng, Bộ GTVT đã “xin” thay.
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp BOT) và đời sống của người dân. Chính phủ đã phải đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó có hỗ trợ bằng tiền và hỗ trợ bằng chính sách. Đặc biệt là giãn, hoãn, khoanh nợ, miễn nộp, chậm nộp các nghĩa vụ tài chính bắt buộc như thuế, BHXH, giảm giá điện 10%, giảm giá xăng dầu đến 8 lần… Dĩ nhiên, khi áp dụng những chính sách như vậy, ngân sách nhà nước vừa bị giảm thu, vừa bị tăng chi. Nhưng cả Chính phủ, các ngành chức năng đều đồng lòng để cứu doanh nghiệp.
Vậy mà vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp, Bộ GTVT lại đưa ra đề xuất sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều doanh nghiệp khác và người dân khi phải lưu thông qua các trạm thu phí BOT. Liệu tăng phí, bỏ ngân sách tới hơn 5.000 tỷ đồng có thực sự là những giải pháp duy nhất để “cứu” doanh nghiệp BOT? Theo phân tích của nhiều chuyên gia giao thông, Chính phủ vẫn còn lựa chọn khác, như: Cho phép nhà đầu tư BOT kéo dài thời gian thu phí; Chỉ tăng với những dự án mức thu thấp, dự án có sự lựa chọn khác cho người dân. Riêng các dự án có mức thu đang cao, tuyến đường độc đạo chưa nên cho tăng phí.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khi trả lời báo chí đã cho rằng: “Nên xem xét cụ thể, rà soát từng dự án, để phí BOT hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - nhà đầu tư BOT - người sử dụng (người dân và doanh nghiệp). Không làm nảy sinh thêm mất công bằng, mâu thuẫn giữa người sử dụng và nhà đầu tư”. Là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Bộ GTVT càng cần hiểu rõ nguyên tắc này hơn ai hết./.