Nhà đầu tư ngoại 'thâu tóm' dự án điện mặt trời có đúng luật?

  • 21/05/2020 11:45:18
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Hàng chục dự án điện mặt trời đã được bán cho doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Song theo Bộ Công Thương, đây là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường.

 

Nhiều dự án bị chuyển nhượng

Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Philippines,... đã nắm trong tay các dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Đơn cử như  dự án điện mặt trời Dầu Tiếng ở Tây Ninh của Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh với công suất lên đến 420 MW được coi là một trong những dự án lớn nhất Đông Nam Á về năng lượng sạch. Nhưng cuối năm 2019, Chủ tịch B.Grimm Power đã trở thành người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh và nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty này.

Tương tự là hai nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Ban đầu tập đoàn Thái Lan chỉ sở hữu 49% vốn nhưng hiện nay Tập đoàn Năng lượng Gulf đã tăng mức nắm giữ 90%-95% vốn sau khi mua lại cổ phần của Thành Thành Công. Tháng 2/2020, các công ty này đồng loạt đổi tên từ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển năng lượng TTC thành Công ty cổ phần Gulf Tây Ninh 1, 2.

Lý giải về việc các nhà đầu tư nước ngoài phải đi đường vòng, các chuyên gia cho rằng, các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới hiếm khi tự đi phát triển dự án để tránh các vấn đề pháp lý, thủ tục. Một số nhà đầu tư trong nước sẽ thành lập doanh nghiệp, tiến hành nghiên cứu, khảo sát, làm thủ tục đầu tư dự án. Sau đó, chuyển nhượng lại cổ phần tại doanh nghiệp đó cho các nhà đầu tư có khả năng thực hiện dự án. Ngoài ra, giá điện mặt trời tại Việt Nam lên tới 2.100 đồng/số (tương đương 9,35 cent/kWh) rất hấp dẫn nhà đầu tư bởi mức giá này đảm bảo khả năng hoàn vốn và có lãi.

Các chuyên gia cũng lo ngại, việc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư ngoại liệu có tiềm ẩn rủi ro gì về an ninh năng lượng hay không. Nếu việc chuyển nhượng dự án có thể có sự can thiệp của nhà đầu tư mới trong việc thay đổi hoặc bổ sung các thiết bị không có trong hồ sơ nghiên cứu khả thi ban đầu, thậm chí có thể lắp đặt những thiết bị có thể can thiệp từ xa vào hệ thống. Ngoài ra, khi tỷ trọng nguồn điện tái tạo tăng lên tới một mức liệu có xảy ra các sự cố có thể gây tác động nghiêm trọng tới lưới điện quốc gia, làm ảnh hưởng tới khả năng cung ứng điện hay không? Chiến lược Quốc gia về năng lượng tái tạo ban hành đã nhiều năm nhưng không hề có hoạch định cụ thể để phát triển, nhất là công nghệ phát triển tấm pin. Vì thế khi nhà nước có chính sách hỗ trợ về giá mua điện mặt trời thì Việt Nam trở thành thị trường của nước khác.

 

Bộ Công Thương nói gì?

Về việc một số dự án điện mặt trời lúc đầu được giao cho các nhà đầu tư Việt Nam nhưng sau này được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, sở hữu, quản lý vận hành, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương cho biết,  tính đến hết ngày 11 tháng 5 năm 2020, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời (ĐMT) và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại. Một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê út....

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương:  Các nhà đầu tư chỉ bỏ vốn khi các dự án mang lại lợi ích cho họ vì vậy giá điện phải được thiết kế để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư... Giá bán điện cố định của các dự án điện mặt trời (FIT) vừa qua nếu nói là hấp dẫn sẽ chuẩn xác hơn giá cao… Thời hạn giá FIT chỉ có hiệu lực tới hết ngày 30/6/2019. Sau thời gian này, giá FIT sẽ giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh.

Bộ Công Thương cho rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Theo quy định hiện nay, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông... do Sở/Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương khẳng định: “Nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia đầu tư điện mặt trời theo các quy định tại các Quyết định số 11, 13 và tuân thủ pháp luật về đầu tư, về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài thông qua nhà đầu tư trong nước tham gia các dự án đầu tư là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện. Các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp đi phát triển dự án để tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương. Nhà đầu tư trong nước hiểu biết về luật pháp sở tại, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục... tốt hơn nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy, thường tham gia vào dự án quy mô công suất lớn hoặc gom nhiều dự án quy mô công suất nhỏ nên việc kết hợp như vậy sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho dự án và cho nhà đầu tư, giúp giảm chi phí vận hành chung.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận