EVFTA, con đường cao tốc không miễn phí

  • 27/05/2020 16:15:46
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

EVFTA được ví như con đường cao tốc nhưng không phải là cao tốc miễn phí. Chúng ta phải trả phí cho quá trình này bằng cách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cấp thể chế của nền kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

 

Kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng khoảng 20%

Tại phiên thảo luận vừa qua, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Nhiều đại biểu cho rằng, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. EVFTA còn được kỳ vọng mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh. Doanh nghiệp, người dân sẽ tiếp cận với hàng hóa của EU với giá cả hợp lý và chất lượng tốt hơn. Nghiên cứu cho thấy Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh- cho rằng, việc sớm thông qua hai hiệp định này sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích.

Thứ nhất là sẽ thúc đẩy thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Năm 2019 chúng ta thấy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu chiếm khoảng 11% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước. Trong đó, chúng ta xuất khẩu vào thị trường Châu Âu là 41,7 tỷ USD, chiếm 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Khi hiệp định này được ký kết thì các dòng thuế sẽ tiến về 0%, do đó sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam chúng ta có điều kiện đi vào thị trường Châu Âu nhiều hơn.

Thứ hai, khi hiệp định này ký kết thì người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận các hàng hóa và máy móc thiết bị với giá cả phải chăng và chất lượng tốt. Đặc biệt là những người phụ nữ Việt Nam có thể tiếp cận được hàng hóa mỹ phẩm của châu Âu với giá cả mà thuế là 0 phần trăm. Quan trọng hơn, trong tình hình hiện nay, khi Hiệp định thương mại cũng như Hiệp định bảo hộ đầu tư được ký kết sớm với châu Âu thì Việt Nam sẽ thu hút được một dòng vốn đầu tư nước ngoài từ châu Âu và đặc biệt là khi các nhà đầu tư châu Âu chuyển khỏi các thị trường như thị trường Trung Quốc, tìm điểm đến khác thì Việt Nam sẽ là một lựa chọn.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Thái Bình: EVFTA không phải là con đường cao tốc miễn phí. Chúng ta phải trả phí cho quá trình này bằng cách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thể chế của nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực...

Phân tích về lợi thế mà hiệp định này mang lại, đại biểu Hoàng Văn Cường - TP Hà Nội cho hay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã mở ra nhiều thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường của EU, như là tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa được mở rộng hơn, những nguyên liệu sử dụng ở những nước đã có FTA với EU đều được chấp thuận như là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Đây là một thuận lợi. Điểm thứ hai là các hàng hóa trao đổi giữa 2 bên Việt Nam và EU phần lớn là những hàng hóa bổ sung cho nhau chứ không phải là những hàng hóa cạnh tranh đối kháng. Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam xây dựng và phát triển những ngành hàng là thế mạnh nội tại của Việt Nam như nông sản, thủy, hải sản, dệt may, giày da, chế biến đồ gỗ theo hướng là tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong cả nước.

Bắt đầu cuộc đua chứ chưa phải bắt đầu bữa tiệc

Tuy nhiên, không dễ để nắm bắt được các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại. Cửa đã mở nhưng muốn thông hành, hàng nông sản của ta còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ… Với tính chất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp lại càng phải chủ động đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh - phân tích, “hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực, nhận thức của tôi là chúng ta bắt đầu cuộc đua chứ chưa phải là bắt đầu bữa tiệc. Nếu không thành công thì chúng ta vẫn có thể tụt hậu, chúng ta có thể ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình và khi đó “tiệc thì người khác ăn mà nợ thì chúng ta sẽ gánh”. Cho nên, trong cuộc đua này chúng tôi mong Chính phủ phải có kế hoạch và rút kinh nghiệm quá trình hội nhập 20 năm vừa qua của chúng ta để có kế hoạch, chiến lược, thay đổi mạnh mẽ”.

Đồng tình với quan điểm này, song đại biểu Hoàng Văn Cường - TP Hà Nội cũng  lo ngại, cách đây gần 2 năm, khi Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP chúng ta rất vui mừng, kỳ vọng hàng hóa Việt Nam sẽ tràn vào những nước trong khối CPTPP, nhưng sau một năm thực hiện đến nay nhìn lại xuất khẩu của Việt Nam vào khối các nước CPTPP chỉ tăng 7,2%, trong khi xuất khẩu chung của cả nước tăng 8,4%, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa được hưởng lợi gì từ hiệp định này. Chính vì vậy, Chính phủ cần xác định ngay những hàng hóa, sản phẩm nào của Việt Nam có khả năng tham gia xuất khẩu vào thị trường EU là sản phẩm thế mạnh, từ đó đánh giá ngay mức độ đáp ứng những yêu cầu, những tiêu chuẩn kỹ thuật, xem những hàng hóa đó đạt đến đâu, cần phải làm gì để đạt được các tiêu chuẩn của EU.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận