Trước thông tin đại lý xăng dầu tố doanh nghiệp đầu mối găm hàng, cắt chiết khấu, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 27/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đang chỉ đạo kiểm tra.
“Kiểm tra tất cả các địa bàn có phản ánh xem do thiếu hay găm hàng, làm việc lại ngay với doanh nghiệp đầu mối, kiểm tra tại nguồn và hợp đồng giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối, đại lý, theo nguyên tắc đảm bảo cung ứng, lưu thông phân phối hàng hoá” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trả lời báo chí trước đó, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, vài đơn vị phân phối xăng dầu cung cấp nhỏ giọt, giảm mạnh chiết khấu. Tuy nhiên, bản chất là khi giá trong thời gian giãn cách xã hội giảm liên tục, các đơn vị đầu mối tăng mạnh chiết khấu, có lúc lên tới 3.000-4.000 đồng để bán hàng đi càng nhiều càng tốt, thu tiền về nhập thêm hàng khi giá thế giới giảm sâu.
Còn các đại lý lại mua của nhiều đầu mối, chỗ nào chiết khấu cao thì tăng nhập chứ không tuân thủ quy định "chỉ nhập tại một đầu mối để đảm bảo chất lượng". Vì thế, khi giá tăng trở lại, chiết khấu ít đi, họ quay lại nhập thì các doanh nghiệp đầu mối chỉ đảm bảo cung ứng được đủ hàng cho hệ thống phân phối và các hợp đồng đã ký.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước Bộ Công Thương khẳng định: “Sau khi nhận được phản ánh tại một số cửa hàng thiếu xăng dầu tại một số địa bàn như Đắk Lắk, Hải Dương, Bắc Giang, Vụ đã làm việc với các thương nhân đầu mối để bổ sung hàng tại địa phương và có phương án điều hàng ngay từ các đầu mối hoạt động tại các địa phương khác phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất”.
Bộ Công Thương khẳng định, nguồn cung xăng dầu để cung cấp cho tiêu dùng cũng như cho sản xuất từ các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là đầy đủ.
Bộ Công Thương đề nghị người tiêu dùng yên tâm và cũng khẳng định bất kỳ một cửa hàng xăng dầu nào nếu có hiện tượng găm hàng hoặc thiếu hàng thì Bộ Công Thương sẽ có phương án xử lý./.
Theo VOV.VN