Báo cáo của Bộ Công Thương giải đáp các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội cho thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn được khẳng định, sẽ mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.
Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp trong nước còn loay hoay tại thị trường châu Âu do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10 - 20% so với nước bạn. Do vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn.
Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là khi đã Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội, chủ động hơn so với các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác vẫn đang phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
“EU là thị trường lớn và đang tạo ra những giá trị rất cao trong hoạt động XNK của Việt Nam, Đây là những mặt hàng truyền thống, có lợi thế như: dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Trong thời gian qua chúng ta cũng đã thâm nhập và mở rộng được kim ngạch ở thị trường này. Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì Việt Nam sẽ có thêm nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường khi mà hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang khu vực này trong lộ trình từ 7-10 năm, thuế suất sẽ được đưa về 0%”, ông Trần Thanh Hải nói.
Ở chiều nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Như vậy, giai đoạn hậu dịch bệnh, nếu Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18.000 tỷ USD này.
Trước những đề nghị đánh giá tác động kỹ hơn, cụ thể hơn của Hiệp định EVFTA trong bối cảnh dịch Covid-19, đặc biệt là tới tăng trưởng các ngành nghề, việc làm, an sinh xã hội, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại các nước châu Âu và những đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Do vậy, việc đánh giá tổng thể và toàn diện tác động của việc thực thi EVFTA gắn với bối cảnh của dịch Covid-19 cần nhiều thời gian và nguồn lực. Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ đưa nội dung công việc này vào Kế hoạch thực thi EVFTA để triển khai với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực để từ đó có những kiến nghị về biện pháp ứng phó phù hợp.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng: “Do kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch, nhu cầu giảm do cầu giảm, thu nhập giảm. Cái chúng ta chờ đợi, hi vọng là 1-2 tháng ngay sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và đi vào thực thi thì có lẽ tác động của nó sẽ không còn nhiều ý nghĩa như những tính toán trước đấy. Nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay bên cạnh nỗ lực vượt qua giai đoạn rất khó khăn thì cũng bắt đầu nghĩ đến tương lai - tái cấu trúcvdoanh nghiệp mình, từ sản phẩm, phương thức kinh doanh, đối tác, thị trường, cách thức quản lý”.
Dưới góc độ nghiên cứu, có thể thấy, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận ở nhiều khía cạnh tích cực về cơ hội mà EVFTA đem lại trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: “Chúng ta đã kỳ vọng nhiều vào EVFTA, nó thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam ta là tiếp tục hội nhập, chủ động hội nhập và mở cửa nền kinh tế. Chúng ta có một số cơ hội, đặc biệt là trong việc xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Bởi trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về nông sản, thực phẩm không những không thay đổi mà tiếp tục gia tăng thêm, Việt Nam là nước kiểm soát được dịch bệnh rất tốt, hoạt động trong nước gần như quay trở lại bình thường.. thì đây cũng là cơ hội để chúng ta thúc đẩy, mở rộng sản xuất.. Từ đó sẽ đầu tư nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn vào nông nghiệp và tái cấu trúc nó trên 3 phương diện: tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc sản phẩm và tái cấu trúc về tổ chức sản xuất”.
Dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, gây tổn thất nặng nề về người và ảnh hưởng nặng nề tới tình hình kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác của Việt Nam là thành viên EU tham gia Hiệp định EVFTA. Điều này cho thấy các hoạt động thương mại, đầu tư khó đạt được như kỳ vọng. Song, rõ ràng, với các cam kết chặt chẽ của hiệp định này, đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, có thể tận dụng được tối đa các ưu đãi mà hiệp định mang lại.
Đồng thời, cũng là cơ hội để thêm một lần nữa, Việt Nam rà soát lại việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết ký kết trong Hiệp định; Là cơ hội để nâng cao hơn nữa hiệu quả của quản lý nhà nước cũng như tiếp tục thực hiện những cải cách, đảm bảo cho môi trường đầu tư, kinh doanh và các hoạt động quản lý nhà nước phải gắn chặt với những nội dung của cam kết và hướng vào việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, để khai thác được những cơ hội từ EVFTA./.
Theo VOV.VN