Phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số chứng khoán Dow Jones của sàn New York mất tới 700 điểm do lo ngại dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại ở nước Mỹ. Mối lo này hoàn toàn có cơ sở, khi không chỉ Mỹ, mà Trung Quốc sau 56 ngày không bệnh nhân nhiễm mới đã phát hiện ổ dịch tại thủ đô Bắc Kinh. Chịu ảnh hưởng từ thị trường Mỹ, phiên đầu tuần của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chìm trong sắc đỏ, bán tháo về cuối phiên với tâm lý bi quan.
Phản ứng này của thị trường cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế, khi thế giới vẫn chưa thể thở phào, chia tay với Cô Vy (tên gọi vui của Covid-19). Các quốc gia chưa thể phục hồi hoàn toàn nền kinh tế mà chỉ mở cửa từng bước. Với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài (từ nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra) như Việt Nam, càng kéo dài thời gian đóng cửa biên giới, hạn chế giao thương càng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Những hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tuyến ở Bắc Giang hay xúc tiến đầu tư ở Thanh Hóa đều là những bước đi cần thiết để khôi phục lại hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, thị trường nội địa dù sức mua kém nhưng giá một số mặt hàng thiết yếu chưa có dấu hiệu giảm. Đặc biệt là mặt hàng thịt lợn. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thịt lợn Thái Lan chưa nhập khẩu về Việt Nam giá đã tăng chóng mặt. Giá nhập tại cửa khẩu đầu tuần lên tới 82.000 đồng/kg lợn hơi. Lợn nuôi trong nước chưa kịp tái đàn sau dịch tả châu Phi, lợn nhập khẩu nguyên con giá không rẻ, người tiêu dùng sẽ ít lựa chọn để duy trì thói quen ăn thịt lợn hàng ngày.
Lúc này, điều quan trọng nhất mà các cơ quan quản lý có thể làm để đạt được mục tiêu tăng trưởng do Chính phủ đề ra là tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Nhưng thực tế cho thấy giữa kỳ vọng của Chính phủ với việc thực thi của các bộ, ngành, địa phương là một khoảng cách khá xa.
Ngay cả việc sửa đổi một số nội dung không phù hợp trong Nghị định 20/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (gọi tắt NĐ 20) cũng có vẻ như đầy gian truân khi điểm mong chờ nhất của các DN trong 3 năm qua là hồi tố cho phép DN được áp dụng điều khoản sửa đổi từ kỳ tính thuế 2017 đến nay thì dự thảo sửa đổi của Bộ Tài chính chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và luật pháp thì Nghị định 20 được xây dựng nhằm mục đích chống chuyển giá, gian lận thuế nhưng nếu áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp thì sẽ không thực hiện được mục tiêu ban đầu và khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.
Lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn này không phải là khẩu hiệu, mà là những việc làm thiết thực. Và mọi chính sách ban hành đều cần được cân nhắc trên nhiều phương diện: lợi ích nhà nước, quyền lợi của doanh nghiệp, của người dân./.