Đây là một trong chuỗi hội nghị được Bộ Công Thương tổ chức sau khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao trao cho Đại sứ EU tại Việt Nam công hàm về việc Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vừa qua.
Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức đi vào cuộc sống. Với những cam kết sâu rộng, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tình hình kinh tế, thương mại của Việt Nam trong thời gian qua đã bị sụt giảm đáng kể. Trong bối bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, DN cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, EVFTA là cơ hội lớn nhưng tiềm lực và nội lực của các DN hiện nay cần phải cải thiện thì mới tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết rất sâu rộng cũng như điều kiện gia nhập thị trường cao như châu Âu. Về lâu dài, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ vì với DN nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không đủ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Chính vì vậy chiến lược và khu công nghiệp phục vụ nguyên phụ liệu cho sản xuất là cần thiết. Đồng thời, DN cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, liên kết chặt chẽ hơn với nguồn cung trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời với biến động xảy ra.
Để hiện thực hóa các cơ hội từ EVFTA, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, Chính phủ và các DN còn khá nhiều việc phải chuẩn bị. Về phía Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các DN cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.