PV: Theo luật sư, khi bị cấm, các doanh nghiệp đòi nợ thuê có thể làm gì để lách luật không?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo Điều 6 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung hoạt động dịch vụ đòi nợ, bao gồm: “1. Đại diện chủ nợ để xác định các khoản nợ, các nội dung liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ; đôn đốc khách nợ trả nợ; thu nợ; 2. Đại diện chủ nợ làm việc với tổ chức hoặc cá nhân có liên quan để thu nợ; 3. Đại diện khách nợ để xác định các khoản nợ, biện pháp xử lý nợ với chủ nợ; 4. Tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ; biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ.”
Luật đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 mới chỉ quy định “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Luật chưa quy định rõ nội dung và phạm vi các hoạt động bị cấm. Các nội dung này còn cần phải có sự quy định chi tiết và cụ thể hơn tại các văn bản hướng dẫn (Nghị định hoặc Thông tư). Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể lách luật bằng những hình thức, cách thức hoạt động như thế nào thì còn phụ thuộc rất lớn vào sự chặt chẽ và hợp lý của các quy định hướng dẫn về nội dung này.
Tuy nhiên, khả năng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ tìm cách “lách luật” để tiếp tục hoạt động là rất cao, vì nhu cầu thực tế đối với loại hình dịch vụ này là không nhỏ. Chẳng hạn như các hình thức: Mua lại các khoản nợ nhưng thực chất là để đòi nợ thuê cho bên bán nợ, hoặc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, để cung ứng lao động (mà thực chất là các nhân viên thực hiện việc đòi nợ) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, để thực hiện các công việc liên quan đến việc đòi nợ.v.v…
Vì vậy, để tránh việc “lách luật” có thể xảy ra thì Chính phủ và các Bộ có liên quan cần phải ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn, tạo ra những căn cứ pháp lý chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn, cũng như phải có những chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.
PV: Người cho vay có thể làm gì để đòi nợ hợp pháp trong bối cảnh luật mới có hiệu lực?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Việc sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê cũng chỉ là một cách thức, biện pháp để thu hồi nợ và thực tế, đây cũng không phải biện pháp thu hồi nợ mang tính phổ biến nhất. Pháp luật hiện hành của chúng ta đã có đầy đủ các quy định pháp lý cần thiết, để các tổ chức và cá nhân có thể thu hồi nợ, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi phát sinh các khoản công nợ trong các giao dịch dân sự, kinh doanh – thương mại.v.v…
Trước hết, các quan hệ nêu trên có bản chất pháp lý là quan hệ dân sự, chịu sự điều chỉnh của Luật dân sự, Luật Thương mại, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp quy có liên quan khác. Do đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì trước hết các bên có quyền tự giải quyết bằng cách thương lượng, hòa giải. Nếu các bên không thể tự thảo thuận được với nhau thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền, đề nghị Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo thủ tục của Luật tố tụng dân sự.
Trong trường hợp, vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự (lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc các tội phạm khác) thì người bị hại, hoặc các cá nhân, tổ chức có liên quan có quyền làm đơn trình báo, tố giác tội phạm đó đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, để được xem xét và giải quyết theo quy định của Luật tố tụng hình sự
PV: Các doanh nghiệp có nên nhờ luật sư hỗ trợ hoạt động bảo đảm an toàn khoản vay ngay từ khi bắt đầu không? Và nếu nhờ, luật sư nên làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên cho vay ?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Việc thu hồi nợ/công nợ thì không chỉ phát sinh từ các hoạt đồng vay nợ (tiền) thuần túy mà còn có thể xuất phát từ rất nhiều các giao dịch dân sự và kinh doanh – thương mại khác (mua bán hàng hóa, đầu tư, xây lắp.v.v..). Do đó, việc luật sư tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ đầu, ngay từ giai đoạn đàm phán, giao kết Hợp đồng là điều rất hữu ích, đặc biệt là đối với những Hợp đồng có giá trị lớn. Bởi vì, với kiến thức và kinh nghiệm pháp lý của mình, luật sư sẽ giúp cho các tổ chức, cá nhân biết và hiểu đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật, cũng như có những sự tư vấn kịp thời, chính xác, đảm bảo cho họ sự chặt chẽ, an toàn về pháp lý trong việc đàm phán, soạn thảo, ký kết và thực hiện các loại hợp đồng. Qua đó, luật sư sẽ giúp cho các tổ chức và cá nhân có thể phòng ngừa, tránh được các tranh chấp hoặc rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong thực tiễn.
PV: Luật sự nhận định việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê sẽ nảy sinh những vấn đề pháp lý nào? Những hiện tượng biến tướng gì?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Luật đầu tư (sửa đổi) quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, nhu cầu của xã hội đối với dịch vụ này vẫn còn khá lớn. Do đó, nếu các quy định pháp luật và công tác quản lý Nhà nước của chúng ta không chặt chẽ và hiệu quả, thì có thể sẽ phát sinh những dịch vụ thu hồi nợ chui, bất hợp pháp và khó kiểm soát hơn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý, cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, thì mới có thể giải quyết được vấn đề một cách thấu đáo và toàn diện.
Xin cảm ơn ông!
Ánh Phương (thực hiện)