Mới đây, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 (vốn ODA). Đáng chú ý là trong nửa đầu năm 2020 cả nước chỉ giải ngân được 13,1% dự toán được giao. Trong đó chỉ có 3 bộ ngành Giao thông vận tải, Quốc phòng và Y tế là giải ngân được trên 20%. Cá biệt, Bộ Công Thương vẫn chưa giải ngân phần dự toán được giao là 138 tỷ đồng. Tương tự, cũng chỉ có 14 địa phương giải ngân được trên 20% dự toán được giao, nhưng lại có tới 10 địa phương chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công. Đặc biệt, TP.HCM hiện tỷ lệ giải ngân mới đạt 4,13%.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những năm gần đây, tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển giảm rõ rệt. Chỉ tính trong 3 năm 2017 - 2019, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài đã giảm dần từ 78,4% dự toán được giao (năm 2017) xuống còn 36,4% dự toán được giao (năm 2019). Tình trạng này sẽ khiến Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn; các dự án phải trả chi phí cao hơn; chi phí quản lý dự án cũng tăng lên theo thời gian…
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là hệ quả nặng nề của đại dịch Covid-19, đồng thời các bộ ngành, địa phương vẫn đang giải ngân dự toán đã được giao của năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn. Nhiều dự án lớn đang phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Cùng với đó là các nhược điểm cố hữu như giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng chậm giải ngân vốn ODA không chỉ xuất hiện trong năm 2020 mà diễn ra gần như trong suốt giai đoạn 2016 - 2020 chính là sự phối hợp của các bộ ngành trong quá trình hoàn tất thủ tục giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài còn chưa chặt chẽ. Nhiều địa phương phản ánh tình trạng thủ tục, quy trình xét duyệt, xác định dự án… rườm rà gây khó khăn cho công tác giải ngân.
Trong một cuộc họp mới đây, khi nói về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với chính quyền các cấp, các bộ ngành. Cơ quan nào, bộ, ngành nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải trực tiếp kiểm điểm.
Do đó, để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn ODA và vốn vay ưu đãi nói riêng, điều quan trọng là người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương vừa tích cực đôn đốc, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn ngay tại cơ quan đơn vị mình, vừa phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác để tạo điều kiện giải ngân hiệu quả và nhanh chóng./.