Ngày 28/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019.
Theo đó, từ 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.
Tuy nhiên, hiện theo Nghị định này thì chỉ có những mẫu xe lắp ráp trong nước mới được giảm phí chứ xe nhập khẩu thì không. Chính vì vậy, hiện nay, người có ý định mua xe thường ưu tiên tìm hiểu các mẫu xe lắp ráp trong nước để chọn mua hơn là xe nhập khẩu.
Hiện mức thu phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Mức phí trước bạ với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Với mức giá ô tô trên thị trường hiện nay, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp người mua xe giảm hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng.
Nhưng, ngay khi phí trước bạ được giảm còn 50%, thị trường ô tô đã có những thay đổi. Cụ thể, nhiều hãng, đại lý đã nhanh chóng điều chỉnh giá bán và mức ưu đãi, khuyến mãi cho nhiều mẫu xe (chủ yếu là xe lắp ráp trong nước).
Theo khảo sát, hiện các mẫu xe lắp ráp được nhiều người quan tâm như Honda City, Mazda3, Toyota Fortuner, Mazda CX-5, Hyundai Kona... đều có mức khuyến mãi giảm so với trước.
Trong đó, Toyota Vios được đại lý giảm giá từ 20 - 25 triệu đồng trong tháng 5,6/2020 nhưng sang đầu tháng 7 chỉ còn khoảng 10 triệu đồng. Hay, hai phiên bản Toyota Fortuner 2.4 MT 4x2 và 2.4 AT 4x2 hiện nay chỉ được ưu đãi 1 năm bảo hiểm thân vỏ và 3 năm bảo dưỡng miễn phí, không còn hỗ trợ 1 phần phí trước bạ như trong tháng 6/2020.
Các dòng xe lắp ráp của Thaco là Mazda3 mới đang có mức giảm 35 - 45 triệu đồng trong tháng 6/2020 hiện cũng chỉ còn 20 - 30 triệu. CX-5 giảm khoảng gần 100 triệu đồng trong tháng 6/2020, hiện chỉ còn 50 – 60 triệu đồng (tùy phiên bản)...
Mẫu xe lắp ráp duy nhất của Honda là City hiện cũng chỉ còn mức ưu đãi 10 – 15 triệu đồng thay vì 30 – 40 triệu đồng. Cùng với đó, quà tặng của xe cũng được giảm đi.
Cùng với đó, một số mẫu xe của Hyundai là Kona, SantaFe đã có mức tăng giá từ 10 – 15 triệu đồng (tùy từng phiên bản).
Hay mới đây, thương hiệu xe Việt VinFast, cũng đưa ra mức giá mới được áp dụng từ 15/7 với mức tăng thấp nhất là từ 7,1 triệu đồng (dành cho Fadil phiên bản cao cấp) và cao nhất là 75,6 triệu đồng (dành cho Lux SA2.0 phiên bản cao cấp).
Đây là lần tăng giá thứ 5 của VinFast kể từ tháng 11/2018. Trước đó, tháng 5/2020, VinFast gây chú ý khi đưa ra mức giá cao nhất lên tới gần 300 triệu đồng cho khách hàng nhằm kích cầu tiêu dùng sau dịch Covid-19.
Phản ứng của người tiêu dùng
Ông Nguyễn Văn Đạt, chủ showroom xe Thành Đạt – đường Trần Thái Tông (Hà Nội), người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh ô tô cho biết, việc phí trước bạ giảm là điều tốt giúp kích cầu cho thị trường ô tô trong lúc đang ảm đạm do ảnh hưởng Covid-19. Tuy nhiên, nếu các hãng hay đại lý ngay lấp tức cắt giảm các ưu đãi lúc này sẽ rất dễ xảy ra “tác dụng ngược” vì gây tâm lý khó chịu cho khách hàng. Và có thể dẫn tới việc khách thay đổi quyệt định không mua xe nữa.
“Hiện nay, khi phí trước bạ giảm cộng với ưu đãi lớn của các hãng, đại lý sẽ kích thích được người đang có ý định mua xe xuống tiền vì hưởng lợi, tiết kiệm được một khoản chi phí ban đầu khi mua xe. Nhưng nếu, ưu đãi không còn thì việc giảm phí trước bạ cũng không khiến người mua hào hứng với việc mua xe” – anh Đạt chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc giảm phí trước bạ là tin vui với những người đang có ý định mua xe mới và cũng là một chính sách kích cầu kinh tế kịp thời của Chính phủ khi thị trường ô tô đang ế ẩm.
Bộ Tài chính cũng cho biết, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến tác động giảm thu ngân sách địa phương năm 2020 ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là ưu đãi giúp người mua xe giảm tiền đóng thuế, phí cho Nhà nước chứ không phải giảm giá xe. Vì vậy, để Nghị định này phát huy hiệu quả và kích thích tiêu dùng trong dân thì các đại lý, doanh nghiệp, hãng kinh doanh, lắp ráp xe phải đẩy mạnh nhưng chương trình ưu đãi, giảm giá... trong thời gian tới.
Hiện nay, với mức giảm 50% phí trước bạ, mẫu xe được giảm phí thấp nhất là Kia Morning. Mẫu xe hạng A của Kia được lắp ráp trong nước và có giá tính phí từ 299 triệu đồng. Mức đóng phí trước bạ thấp nhất (10%) cho mẫu xe này là 29,9 triệu, nếu giảm sẽ chỉ phải đóng 14,95 triệu đồng.
Còn mẫu xe có mức phí hưởng lợi nhất khi giảm phí trước bạ chính là dòng xe siêu sang S-Class được lắp ráp trong nước. Mức giá bán 2 dòng xe S-Class đang được lắp ráp trong nước là S450L đang có giá từ 4,4 - 4,969 tỷ đồng. Mức phí được giảm sẽ giao động từ 248 - 298 triệu đồng./.
Gia Linh/VOV.VN