Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng sau đại dịch. Trong đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 .
Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh và có phương án khả thi thì sẽ được ngân hàng cho vay với lãi suất giảm so với trước khi dịch xuất hiện. Các tổ chức tín dụng phải tổ chức rà soát, đánh giá yếu tố pháp lý của các doanh nghiệp, xem khách hàng nào ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp. Trên cơ sở đó, áp dụng mức giảm lãi suất cho phù hợp, tùy vào chính sách của các ngân hàng thương mại.
Những tưởng là với chính sách như vậy thì doanh nghiệp sẽ nhanh có vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, thực tế cho thấy, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí phải quen biết mới mong tiếp cận khoản tài chính này. Giải thích lý do khó triển khai nhanh, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên phải đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình an toàn, tránh nợ xấu, không thể hỗ trợ doanh nghiệp vô điều kiện. Do đó, doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi trong mùa dịch phải có tài sản đảm bảo, chứng minh được dòng tiền và hiệu quả của dự án.
Như vậy có thể thấy, ngân hàng không thiếu tiền, nhưng sức hấp thụ của nền kinh tế đã giảm khá mạnh trong thời gian qua. Lãi suất cho vay liên tục giảm khi tính thanh khoản thấp kéo theo lãi suất huy động giảm cũng khiến tâm lý bất an có dấu hiệu gia tăng. Rất khó để xử lý nghịch lý dòng vốn này, bởi rõ ràng, ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, và họ cần có sự đảm bảo nhất định mới dám cho vay. Do đó, nếu như không có sự hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất của Nhà nước như giai đoạn 2007 - 2008 hoặc những giải pháp thúc đẩy các NHTM tháo gỡ rào cản, giảm bớt thủ tục hành chính, thì dù doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng thừa tiền, hai nhu cầu đó vẫn không thể gặp nhau./.