Thanh Hóa thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: 'Chìa khóa' tạo đột phá

Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp nhằm mục tiêu thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Nhiều cơ chế hỗ trợ đầu tư

Xác định tầm quan trọng của doanh nghiệp trong chiến lược phát triển nông nghiệp, thời gian qua, cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Ngoài thực hiện các chính sách theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, sau đó được thay thế bằng Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh; Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh.

Theo đó, Thanh Hóa đã hỗ trợ kinh phí thuê đất, thuê mặt nước cho 165ha đất để sản xuất lúa đặc sản tại huyện Thiệu Hóa, 50ha trồng cây ăn quả tại huyện Thọ Xuân; 24ha mặt nước nuôi cá rô phi thâm canh huyện Nông Cống; 65ha mặt nước để nuôi tôm thẻ chân trắng cho thành phố Thanh Hóa và huyện Tĩnh Gia với tổng kinh phí giải ngân ước đạt 2,541 tỷ đồng. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 06 dự án; tổng kinh phí thực hiện ước đạt 17,09 tỷ đồng. Hỗ trợ mua máy thu hoạch mía, hệ thống tưới mía mặt ruộng và sản xuất giống mía, với tổng kinh phí thực hiện ước đạt 30,599 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ cao của tỉnh Thanh Hóa. Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng vật nuôi theo Quyết định số 5637/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015, hằng năm, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ 04 doanh nghiệp và 04 trang trại nuôi giữ được 1.800 - 2.000 con lợn nái ngoại sinh sản cấp ông, bà, cung cấp mỗi năm khoảng 10.000 lợn cái hậu bị bố mẹ; hỗ trợ Công ty CP giống và phát triển gia cầm Thanh Hoá nuôi giữ giống đàn gia cầm: 2.000 gà mái, 500 ngan mái và 4.000 vịt mái với tổng kinh phí thực hiện ước đạt 13,25 tỷ đồng. Hỗ trợ du nhập, chọn lọc, nuôi dưỡng, tuyển chọn cá chép, cá rô phi bố mẹ thuần chủng để sản xuất giống có năng suất cao: Hỗ trợ Công ty CP giống thủy sản Thanh Hóa 720 triệu đồng để hỗ trợ sản xuất 2 tấn cá rô phi, 2 tấn cá chép giống.

Ngoài ra, để thuận lợi hơn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các địa phương trong tỉnh đã chủ động tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đến thời điểm hiện tại, có 25 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ ruộng đất, với tổng diện tích 15.891ha.

Những con số ấn tượng

Với hàng loạt động thái tích cực như vậy, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Thanh Hóa đã có những kết quả đáng kể. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đến nay, đã có 890 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, trong đó, 176 doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực trồng trọt; 35 doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực lâm nghiệp; 124 doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực chăn nuôi; 42 doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực thủy sản; 513 doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực tổng hợp.

Đáng chú ý hơn, Thanh Hóa đã kêu gọi, thu hút được 171 dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, với tổng mức đầu tư khoảng 21.376,193 tỷ đồng, bình quân 125,007 tỷ đồng/dự án; trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 7 dự án với tổng mức đầu tư 3.873,437 tỷ đồng, bình quân 553,348 tỷ đồng/dự án. Điển hình là một số dự án có quy mô lớn như: Khu trang trại sản xuất kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao an toàn tại khu vực phía Bắc Việt Nam - Công ty TNHH Newhope Singapore Pte.LTd (50 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng); Chăn nuôi bò sữa quy mô công - Công ty TNHH 2 TV ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm sữa Thống Nhất Thanh Hoá (1.600 tỷ đồng); Nhà máy giết mổ chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis; Khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao New Hope Đồng Thịnh tại xã Đồng Thịnh, huyện Ngọc Lặc (20 triệu USD); Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống (389 tỷ đồng)...

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc như: Thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ của doanh nghiệp còn phức tạp, tiếp cận đất đai khó khăn, quy hoạch sử dụng đất thường xuyên thay đổi, các điều kiện hỗ trợ chưa phù hợp với điều kiện thực tế dẫn đến doanh nghiệp khó đáp ứng; ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương chưa cân đối đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành dẫn tới chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh còn yếu kém, nhất là ở khu vực 11 huyện miền núi làm hạn chế sức cạnh tranh và thu hút đầu tư. Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất và làm dịch vụ cung ứng sản phẩm đầu vào cho sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới thành lập, thiếu và yếu về vốn, quy mô nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các thiết bị công nghệ hiện đại, tỷ lệ dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp khoảng 15,6%, thiết bị tự động hóa chiếm 17,6%...

Với mục tiêu “tạo một cực mới” trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Thanh Hóa đã xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Thanh Hóa đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; trong đó, xác định ưu tiên phát triển 13 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, tập trung thu hút vào các cụm liên kết ngành cấp tỉnh, gắn với vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện có hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn..../.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận