Đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 4% năm 2020 là điều mà cả Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đều kỳ vọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cần thận trọng khi thực hiện mục tiêu này. Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính.
Thưa Tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2020? Theo ông để đạt được mục tiêu đó cần những điều kiện gì?
Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu theo dự báo của IMF là -4,9% và rất nhiều quốc gia tăng trưởng âm. Muốn tăng trưởng kinh tế thì phải bơm một lượng tiền vào lưu thông, nghĩa là phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Có một công thức tính toán khá phổ biến: tăng trưởng tín dụng sẽ phải cao gấp 2,5 lần tăng trưởng kinh tế. Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 4% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt khoảng 10%. Nhưng nửa đầu năm 2020 tăng trưởng tín dụng mới đạt 3,26%. Do đó phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 10% cho cả năm là rất khó. Nếu chúng ta đẩy mạnh dòng tiền vào lưu thông thì có thể gây ra lạm phát và tạo bong bóng của nhiều thị trường đầu cơ như bất động sản, chứng khoán. Năm nay toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng dù rất quan trọng nhưng việc đảm bảo an sinh xã hội còn quan trọng hơn, nhất là việc kiểm soát dịch bệnh. Cho đến giờ này tạm coi là Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng vẫn không thể chủ quan với nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai mà nhiều quốc gia đang phải đối phó.
Một trong những điểm nghẽn hiện nay là giải ngân đầu tư công. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này thì sẽ thúc đẩy được tăng trưởng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đầu tư công - đặc biệt cho cơ sở hạ tầng như giao thông, cảng biển - là vấn đề được tất cả các quốc gia quan tâm. Việt Nam không nằm ngoài khuynh hướng đó. Tuy nhiên thực hiện rất nhiều khó khăn. Muốn thực hiện được hoạt động đầu tư công thì phải thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng cho người dân, lựa chọn nhà thầu… cùng các vấn đề kỹ thuật đi cùng, nên không phải cứ nói thúc đẩy giải ngân đầu tư công là có thể thực hiện được ngay. Đặc biệt có một vướng mắc về mặt tài chính, đó là Việt Nam phải có vốn đối ứng khi vay các tổ chức tài chính quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng vốn đối ứng là vướng mắc không dễ giải quyết.
Phải chăng điều đó cũng cho thấy khả năng hấp thụ của nền kinh tế thấp, thưa ông?
Quả thật là khả năng hấp thụ của nền kinh tế đang rất thấp. Thu ngân sách khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản do dịch bệnh. Ngoài ra chi ngân sách bảo đảm an sinh xã hội tăng, chi phí thường xuyên của Chính phủ không giảm. Chi không giảm trong bối cảnh thu giảm dẫn đến bội chi ngân sách trầm trọng. Nợ công dù còn cách ngưỡng 65% GDP nhưng về con số tuyệt đối thì ngày càng tăng. Với những hạn chế của chính sách tài khóa như thế nên ngân sách của Chính phủ rất hạn hẹp. Do đó với những khoản đầu tư công đòi hỏi vốn đối ứng của Chính phủ sẽ khó hấp thụ hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Muốn thực hiện được hoạt động đầu tư công thì phải thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng cho người dân, lựa chọn nhà thầu…cùng các vấn đề kỹ thuật đi cùng, nên không phải cứ nói thúc đẩy giải ngân đầu tư công là có thể thực hiện được ngay |