Đã hơn 10 năm nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai mạnh mẽ nhận được sự ủng hộ đáng kể của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chưa bao giờ hàng Việt rơi vào khủng hoảng bế tắc như bây giờ, khi nhiều thị trường xuất khẩu lớn đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn. Lấy ví dụ từ ngành dệt may, ước tính trong tháng 5/2020 ngành này mất khoảng 50% đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể giảm khoảng 8,5 tỷ USD so với năm 2019. Nếu dịch bệnh không được không chế trên toàn cầu, nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai xuất hiện thì tiêu thụ hàng hóa vẫn sẽ rất khó khăn.
Đây là một thực tế đòi hỏi phải biến chuyện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành hành động chứ không phải chỉ là khẩu hiệu. Và sự ưu tiên đó bắt đầu từ Chính phủ và các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước. Hay nói như PGS.TS Trần Đình Thiên thì Chính phủ và các cơ quan Nhà nước cần là khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đặt hàng doanh nghiệp Việt, để kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiết kiệm trong chi tiêu công.
Không chỉ là đặt hàng, các cơ quan Nhà nước còn cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng những giải pháp thiết thực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ về thuế, phí, lãi suất, mặt bằng sạch, cũng như các chính sách về lao động. Bởi sẽ không thể có sản phẩm “Made in Vietnam” có giá cả và chất lượng cạnh tranh, nếu như doanh nghiệp vẫn phải lo lót, chạy cửa sau để “được” phát triển sản xuất kinh doanh, “được” tham gia đấu thầu cho một dự án chi tiêu công nào đó.
Về phía doanh nghiệp cũng không thể bỏ qua những nghiên cứu nghiêm túc về thị trường nội địa, từ nhu cầu, sức mua, mẫu mã cho đến giá cả. Bởi điểm yếu lâu nay của sản phẩm trong nước vẫn là chưa tương thích với tiêu dùng nội địa, trong khi có sẵn bên cạnh một “ông hàng xóm” sẵn sàng chu cấp từ A tới Z cho mọi nhu cầu. Đại dịch Covid-19 với sự giãn cách giữa các quốc gia, suy cho cùng, cũng cần được nhìn nhận như một cơ hội để doanh nghiệp Việt tự làm mới mình.
Trên trang cá nhân của mình, ông Đỗ Long - Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân Bita’s - đã từng viết: “Tôi mơ về tàu điện cao tốc, mơ về một nền giáo dục khai phóng, mơ về một xã hội an toàn, mơ lớp trẻ ý thức độc lập dân tộc mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và mơ một Made in Việt Nam được cả thế giới biết đến như những gì tôi biết bởi một MADE IN GERMANY… Còn nhớ năm 1887 chính quyền Anh đưa ra đạo luật bắt buộc các sản phẩm hàng hóa của Đức đều phải gắn mác “Made in Germany” chủ yếu để phân biệt đó là những sản phẩm chất lượng kém hơn so với các sản phẩm của Anh, Pháp. Và giờ đây các sản phẩm “Made in Germany” lại trở thành niềm tự hào không chỉ riêng ở Đức mà cả thế giới. Nhiều sản phẩm thuộc loại bền chắc đến mức xài mãi, xài mãi không hư suốt 1 - 2 thập niên”.
Giấc mơ ấy chắc không phải của riêng ông Đỗ Long./.